Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông nước Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ông Mohieldin đưa ra phát biểu trên tại phiên họp thứ 69 của Hội nghị về Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại thủ đô Cairo. Theo ông, ngành y tế đóng góp 4,4% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, do đó ngành này cần cân nhắc các tác động đến môi trường. Ông lưu ý lượng khí thải độc hại đang tăng khoảng 14%, đi ngược lại với các cam kết quốc tế là giảm 45% vào năm 2030. Quan chức này nhấn mạnh điều quan trọng là phải kết nối các ưu tiên trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu với các thách thức toàn cầu liên quan đến y tế.
Cũng theo ông Mohieldin, hội nghị COP27 dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 18-11-2022 tới sẽ tập trung đảm bảo thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và giảm thiểu các hậu quả đe dọa y tế cộng đồng do tình trạng ấm lên toàn cầu, khí thải độc hại gia tăng và suy dinh dưỡng gây ra. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi mà 80% nguồn tài chính để ứng phó với vấn đề này đến từ ngân sách quốc gia.
Tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây, các nước phát triển đã cam kết quyên góp 100 tỷ USD vào năm 2020 nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của các nước đang phát triển. Ngay cả trong trường hợp được giải ngân đủ, số tiền này chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu của các quốc gia đó. Vì vậy, ông Mohieldin cho rằng các công cụ để thực hiện các dự án về chống biến đổi khí hậu chính là khuyến khích và khởi động các công cụ tài chính sáng tạo, đồng thời tận dụng thị trường tài chính liên quan đến “tài chính xanh bền vững”.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức