Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố của GAVI nêu rõ: "Các thỏa thuận này được ký kết trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang gây ra nguy cơ ngày càng tăng đối với các hệ thống y tế. Thỏa thuận sẽ bắt đầu với việc cung cấp ngay 110 triệu liều vaccine cho các thành viên của cơ chế COVAX và có thể tăng thêm".
Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Sinopharm sẽ cung cấp 170 triệu liều vaccine và Sinovac sẽ cung cấp 380 triệu liều vaccine cho COVAX, cho đến giữa năm 2022. Sinovac sẽ cung cấp 50 triệu liều từ nay đến tháng 9, trong khi Sinopharm sẽ cung cấp 60 triệu liều cho tới cuối tháng 10.
Người đứng đầu GAVI, ông Seth Berkley đã hoan nghênh các thỏa thuận trên giúp COVAX có thêm 2 loại vaccine trong danh mục vaccine của cơ chế này, cùng với các vaccine của AstraZeneca, Johnson&Johnson, Moderna và Pfizer.
COVAX là cơ chế do Tổ chức y tế thế giới (WHO), GAVI, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) sáng lập nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Tuy nhiên, cơ chế này đang chật vật trong việc thực hiện các cam kết ban đầu do nguồn cung từ Ấn Độ bị gián đoạn, trong bối cảnh nước này ngừng xuất khẩu vaccine để ứng phó với dịch bệnh trong nước, khiến nhiều nước phải ngừng chương trình tiêm chủng ngay trong những giai đoạn đầu.
Tính đến nay, COVAX đã cung cấp 102 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 135 nước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Không chỉ vậy, trong khi 70% dân số ở các nước phát triển đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chưa tới 1%.
Tuy nhiên, GAVI cho biết COVAX dự kiến có thể cung cấp 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 vào đầu năm 2022, trong đó có 1,8 tỷ liều vaccine dành cho 92 nước nghèo nhất thế giới.
Nguồn: TTXVN