Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

24/03/2014 - 07:25

Ông Ba Rợ đang kiểm tra sản phẩm.

Là hội viên Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Tân Phong, xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam), ông Nguyễn Văn Rợ (thường gọi là Ba Rợ) được các hội viên trong chi hội và nhân dân trong ấp mến phục vì tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu và gương mẫu trong cuộc sống.

Phát huy bản lĩnh người lính Cụ Hồ

Tiếp chúng tôi bên ly trà nóng, ông Ba Rợ tâm sự về cuộc đời mình với bao gian truân và thử thách: Năm 1973, khi vừa tròn 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, tôi đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu. Hòa bình lập lại, tôi được đơn vị phân công về phục vụ tại Ban Hậu cần (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre). Năm 1980, vì sức khỏe yếu nên tôi xuất ngũ về địa phương và lập gia đình. Lúc đó, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực, bằng đôi tay và khối óc của người lính, tôi đã từng bước tạo dựng cuộc sống gia đình được như hôm nay.

Năm 2012, nắm bắt được nhu cầu của thị trường về thực phẩm chay ngày càng cao, đặc biệt là ở các đô thị lớn, vì được xem là thực phẩm sạch, sản xuất từ đậu nành. Sau khi tham quan thực tế tại một số nơi để học hỏi kinh nghiệm, ông bàn bạc và thống nhất với các con vay mượn người thân, bạn bè để đầu tư 400 triệu đồng xây dựng hệ thống gồm 3 lò nấu với 50 chảo và một số trang thiết bị chuyên dụng.

Hiện tại, mỗi ngày cơ sở hoạt động liên tục, sử dụng 200kg đậu nành, sản xuất được khoảng 90kg tàu hủ khô. Như vậy, hàng tháng ông cần đến 6 tấn đậu nành nguyên liệu để sản xuất ra gần 3 tấn tàu hủ thành phẩm, với giá bán 80.000 đồng/kg, thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ đảm bảo vệ sinh, sản phẩm của ông được khách hàng ưa chuộng. Hầu hết sản phẩm của ông đều cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long.

Ông Ba Rợ không ngần ngại tiết lộ, thu nhập từ nghề làm tàu hủ ky cao hơn hẳn so với sản xuất nông nghiệp. Hơn một năm vào nghề và tích lũy, ông đầu tư mua một xe tải và ghe lớn để thuận lợi hơn trong việc giao hàng thành phẩm và vận chuyển nguyên vật liệu. Cơ sở của gia đình ông lúc nào cũng duy trì từ 5 đến 15 công nhân làm việc với thu nhập ổn định từ 2-6 triệu đồng/người/tháng. Điều đặc biệt là tất cả những người làm công cho ông đều là con cháu của hội viên Hội CCB ấp Tân Phong. Nhiều người trước đây có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được ông giúp việc làm, nay đã khá ổn định, có điều kiện cho con học hành.

Hướng đến xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường

Hiện tại, cơ sở sản xuất của ông chỉ mới dừng lại ở quy mô vừa, chủ yếu sử dụng nguyên liệu chất đốt là củi và trấu, nên sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh còn khiêm tốn so với các cơ sở ở những địa phương khác. Thời gian tới, ông sẽ đầu tư mở rộng cơ sở với quy mô lớn hơn, khang trang hơn và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt là ông đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ lò hơi nước, vì công nghệ này vừa tiết kiệm nhiên liệu đốt, vừa đảm bảo vệ sinh và an toàn cho người lao động.

Làm kinh tế giỏi, là hội viên Hội CCB có trách nhiệm, có ý thức xây dựng Hội tốt, được đồng đội và và con cháu yêu mến, kính trọng, ông Ba Rợ gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông đã đăng ký nhiều việc làm tốt, tham gia ủng hộ tích cực các phong trào do Hội và địa phương phát động, xứng đáng là một tấm gương điển hình tiên tiến để hội viên và người dân noi theo.

Bài, ảnh: Ngọc Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN