Đa dạng hóa nguồn lực chăm lo cho người nghèo

22/03/2024 - 05:42

BDK - Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) là một cách làm riêng của tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Đề án thí điểm về đảm bảo ASXH tiếp tục được thực hiện và đạt nhiều kết quả. Qua đó, giúp người nghèo ổn định cuộc sống và nhiều hộ đã thoát nghèo.

Mô hình nuôi bò hiệu quả tại một hộ nghèo thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam.

Mô hình nuôi bò hiệu quả tại một hộ nghèo thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam.

Nhiều nguồn lực chung tay

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo bình quân từ 1 - 1,5%. Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, cuối năm 2023, toàn tỉnh có 21.061 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%. Trong đó, 10.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63% (giảm 0,87%, chưa đạt kế hoạch đề ra, kế hoạch là giảm 1%) và 10.461 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,59% (giảm 1,07%).

Có 88,4% hộ nghèo, hộ cận nghèo sống ở khu vực nông thôn, 11,6% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực thành thị. Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Ba Tri (5,55%); thấp nhất là TP. Bến Tre (0,76%). Toàn tỉnh có 7 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 7% đến dưới 10% (không có xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 10%). Xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là An Hiệp, huyện Ba Tri (9,79%). Bên cạnh đó, tại tỉnh, có 21 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo có chủ hộ là người dân tộc thiểu số; 36 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; 5.388 hộ nghèo, 2.813 hộ cận nghèo không có khả năng lao động.

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đã vận động trên 755 tỷ đồng để thực hiện công tác ASXH trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, xây dựng mới 283 căn nhà tình nghĩa, 143 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, 1.482 căn nhà “đại đoàn kết”, sửa chữa 13 căn nhà tình nghĩa, “đại đoàn kết”; làm mới và nâng cấp, cải tạo hơn 267km đường giao thông nông thôn; xây dựng 879 cây cầu giao thông nông thôn. Hỗ trợ sinh kế cho 3.833 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn. Tặng 42.251 suất học bổng, hàng chục ngàn phần học phẩm và 250 chiếc xe đạp. Tư vấn, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 164.659 người dân. Phẫu thuật tim cho 25 người, phẫu thuật mắt cho 848 người, trao 283 xe lăn, xe lắc. Mua 1 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Tặng hàng trăm ngàn suất ăn miễn phí, gạo và phần quà ASXH khác, cùng 1.919 dụng cụ chứa nước ngọt, nước mưa cho người dân. Nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã trao tặng 175.107 phần quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình xã điểm cấp tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương hỗ trợ xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm bằng nhiều việc làm thiết thực như: vận động mạnh thường quân tặng quà Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn, hỗ trợ 18 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi trường hợp 300 ngàn đồng/tháng... MTTQ Việt Nam huyện Giồng Trôm hỗ trợ 100 triệu đồng thực hiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã. Vận động mạnh thường quân và nhân dân đóng góp xây dựng 18 cây cầu, bê-tông hóa 1,94km đường, hỗ trợ vốn sản xuất cho 7 gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và 123 suất học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí vận động, hỗ trợ gần 5,7 tỷ đồng. Thông qua mô hình điểm đã tạo điều kiện cho xã Tân Lợi Thạnh thực hiện tốt công tác ASXH, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 5,34% đầu năm 2023 còn 3,82% vào cuối năm 2023.

Đầu tư cho giảm nghèo

Tỉnh quan niệm, đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển kinh tế. Người dân, nhất là người nghèo cần có việc làm, thu nhập để sinh sống và ổn định gia đình thì xã hội mới có thể ổn định.

Theo đó, năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã khởi công xây dựng 70 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã bãi ngang, ven biển; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 30.760 người nghèo, 28.965 người cận nghèo và 157.035 người tại các xã bãi ngang, ven biển, kinh phí 189,5 tỷ đồng. Có 15.531 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện, kinh phí 7,26 tỷ đồng. Tổ chức 102 buổi họp mặt, đối thoại chính sách với 7.415 người nghèo, cận nghèo; tổ chức 44 lớp tập huấn nâng cao lực về công tác giảm nghèo, công tác điều tra rà soát hộ nghèo và tổ chức hội nghị triển khai công tác điều tra, rà soát hộ nghèo hộ cận nghèo cuối năm 2023 cho 4.590 cán bộ cấp ấp, cấp xã, huyện và cán bộ MTTQ các cấp.

Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Giải quyết trợ cấp mới cho 9.747 người, nâng tổng số người hưởng trợ giúp hiện nay 61.119 người, kinh phí trên 331,9 tỷ đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 4.007 người, kinh phí trên 28,7 tỷ đồng. Trợ cấp đột xuất cho 123 trường hợp, kinh phí 1,33 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 10 cơ sở bảo trợ xã hội (trong đó có 5 cơ sở công lập và 5 cơ sở ngoài công lập). Hiện các cơ sở đang quản lý và chăm sóc 777 đối tượng bảo trợ xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2023 đạt 66,55%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 36,9%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tính đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 21.427 lao động, đạt 107,14% kế hoạch năm (kế hoạch 20 ngàn lao động/năm), tăng 0,09% so với cùng kỳ (năm 2022 là 21.408 lao động).

Năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh. Với các mục tiêu như: bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản và cải thiện mức sống tối thiểu cho người dân. Trong đó, tập trung nhóm gia đình chính sách người có công với cách mạng và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được sống trong cộng đồng an toàn, có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của cộng đồng dân cư. Đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và ASXH bền vững; đa dạng hóa nguồn lực. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong thực hiện chính sách ASXH.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN