Đa dạng sinh kế, góp phần nâng chất tiêu chí xã nông thôn mới

06/11/2020 - 06:57

BDK - Thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững (đề án) sẽ góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh, tiến tới xây dựng thành công tiêu chí (TC) xã nông thôn mới (NTM). Với ý nghĩa đó, những năm qua, xã Phú Túc, huyện Châu Thành đã tập trung giải pháp thực hiện đề án để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và duy trì nâng chất tiêu chí NTM.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ổn định kinh tế nhờ mô hình nuôi dê.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ổn định kinh tế nhờ mô hình nuôi dê.

Phú Túc hiện có 3.032 hộ dân, với 9.100 nhân khẩu. Trong năm 2020, toàn xã có 100 hộ nghèo, với 260 nhân khẩu, chiếm 3,29%; 111 hộ cận nghèo, với 297 nhân khẩu, chiếm 3,66%. Thực hiện đề án giai đoạn 2016 - 2020, Phú Túc có 66 hộ tham gia đề án với các mô hình: chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán...

Theo anh Trần Thế Sơn - cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo xã cho biết: Để thực hiện có hiệu quả đề án, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện chung cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Hàng năm, xây dựng kế hoạch cho từng năm, đề ra chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức và triển khai, quán triệt đến từng hội, đoàn thể. Dựa trên kế hoạch, nhiệm vụ được phân công, các hội, đoàn thể sẽ tiếp cận hộ nghèo do hội phụ trách và có hướng hỗ trợ. Hàng tháng, quý họp Ban Chỉ đạo từng hội, đoàn thể báo cáo tình hình thực hiện mô hình phát triển kinh tế của hộ nghèo, hộ cận nghèo, sự hướng dẫn, hỗ trợ của hội, đoàn thể từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp, sát với đối tượng.

Là 1/66 hộ nghèo tham gia đề án từ năm 2016, đến nay, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ấp Phú Thạnh có kinh tế khá ổn định với mô hình nuôi dê, bò. Chị Tuyền cho biết, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020, chị sẽ xin thoát nghèo. “Mới tham gia đề án, tôi còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của cộng đồng, chính quyền địa phương. Từ khi được trưởng ấp, cán bộ hội nông dân tuyên truyền, giải thích, chúng tôi mới thay đổi ý nghĩ của mình. Được hỗ trợ vay vốn, gia đình tôi bắt tay làm kinh tế” - chị Tuyền chia sẻ.

“Mình đưa ra gợi ý, có khi phải cầm tay chỉ việc để hộ nghèo, hộ cận nghèo biết cách làm ăn. Khi họ thấy có hiệu quả thì họ sẽ tự biết cách chuyển đổi phương thức sản xuất, chọn hướng đi phát triển kinh tế gia đình. Đến lúc này cán bộ chỉ cần theo dõi, giám sát và hỗ trợ để hộ dân tiếp tục thực hiện mô hình kinh tế ngày một hiệu quả hơn” - Trưởng ấp Phú Thạnh Nguyễn Thị Kiều Trang chia sẻ cách làm.

 Sau 4 năm thực hiện đề án, đến nay, Phú Túc có 53/66 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo, còn lại 13 hộ phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ thoát nghèo và hoàn thành đề án.

“Để đạt kết quả trên nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể đã góp sức làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, góp phần tạo thành công của đề án. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, đa phần nhận thức có giới hạn. Do đó, khi đã nắm kế hoạch từ Ban Chỉ đạo xã, cán bộ hội, đoàn thể phải đến với người dân, theo sát, thuyết phục, vận động làm thế nào hộ nghèo, cận nghèo thấy rõ việc tham gia đề án sinh kế là thoát nghèo, ổn định kinh tế vươn lên làm giàu. Để làm được điều này, cán bộ hội, đoàn thể phải gần gũi, động viên làm điểm tựa về mặt tinh thần, tạo niềm tin giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế” - anh Trần Thế Sơn chia sẻ.

Cũng theo anh Trần Thế Sơn, cuối năm 2020, địa phương tổng kết đề án giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, theo dõi, giám sát những hộ thoát nghèo để tránh trường hợp tái nghèo. Nếu trường hợp cuối năm 2020 khi đề án đã kết thúc nhưng vẫn còn hộ nghèo, chưa thể thoát nghèo, Phú Túc tiếp tục hỗ trợ đến khi thoát nghèo.

Bài, ảnh: Thiên Ân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN