 |
Rất nhiều nam giới tham gia tuần hành hưởng ứng chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: P.Y |
Luật Bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Mặc dù thời gian không dài nhưng hai luật này đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới. Dưới đây là ghi nhận từ thực tế của những người làm công tác tuyên truyền đưa hai luật này đi vào cuộc sống.
* Bà Nguyễn Thị Hiệp – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thừa Đức (Bình Đại): Ở xã vùng sâu như xã chúng tôi thì Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng. Trước đây chị em có bị chồng đánh cũng ráng nhịn, bây giờ thì biết vươn lên, thông tin để chúng tôi can thiệp kịp thời. Tôi nói chị em biết vươn lên chứ không phải làm lớn chuyện lên làm rối tung nề nếp gia đình. Chị em biết khẳng định, thể hiện và bảo vệ mình nên hạn chế được bạo lực gia đình.
* Thiếu úy Lê Ngọc Cao – cán bộ Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng 602 (Thạnh Phong, Thạnh Phú): Chúng tôi thường xuyên kết hợp với hội phụ nữ, tổ nhân dân tự quản các xã biên giới biển tuyên truyền hai luật này đến bà con. Mặc dù trình độ dân trí ở đây còn thấp, nhưng qua tuyên truyền bà con cũng hiểu được hành vi nào là phạm pháp. Trong suy nghĩ, hành động của bà con đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, cái khó của người dân vùng biển là đàn ông đi biển, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình. Nhiều ông chồng sau ngày dài đi biển, lên bờ là nhậu nhẹt rồi đánh đập vợ con. Người vợ lệ thuộc tiền bạc nên cam chịu. Bạo hành, bất bình đẳng đây đó vẫn còn.
* Bà Cao Thị Trơn – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre): Trước đây, trong xã có một gia đình, vợ bị chồng đánh rất dã man, thậm chí lột cả quần áo ra để đánh. Người vợ cam chịu suốt mấy năm trời. Bà con xóm giềng biết chuyện cũng không dám nói vì sợ nếu nói ra mà không bị xử lý thì lại làm khổ người vợ. Hội Phụ nữ chúng tôi trước đây cũng không hề nhận được đơn thư tố cáo nào về bạo lực gia đình. Nhưng từ khi Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình được tuyên truyền trong dân thì chị em mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Chúng tôi bắt đầu nhận được thông tin tố cáo hành vi bạo lực gia đình. Tuy mức độ không bằng trường hợp tôi đã kể nhưng qua đó phần nào thấy được ý thức bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình đã hình thành trong dân. Tuy vậy, theo tôi, ở chừng mực nào đó, hai luật này đi vào cuộc sống còn chậm. Mức độ tuyên truyền như thời gian qua là chưa nhiều, cần đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức và có sự tham gia đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp.
* Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh: Với vai trò làm nòng cốt, Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền luật này theo ba hình thức: thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức của Hội Phụ nữ, Sở Tư pháp, Trường Chính trị, Liên đoàn Lao động tỉnh để tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ; chỉ đạo hệ thống Hội Phụ nữ cấp huyện và cơ sở tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ ngoài hội; phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong dân. Để duy trì chất lượng, chúng tôi xây dựng mô hình điểm như câu lạc bộ (CLB) bình đẳng giới, CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình hạnh phúc, nhóm liên gia phòng chống bạo lực gia đình, phát hành tài liệu, tờ rơi… Mặc dù thời gian không dài nhưng luật này có tác động lớn từ trung ương đến địa phương. Tôi vừa nhận được thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ là một thí dụ. Thời gian qua, nhiều chương trình, dự án bắt đầu có xem xét góc độ giới; thống kê cũng có công bố số liệu giới; xác lập quyền đồng sở hữu tài sản giữa vợ và chồng… Còn trong dân cũng gầy dựng được ý thức thay đổi quan điểm trọng nam khinh nữ. Có khi chưa hành động nhưng ít nhất trong ý thức mỗi người cũng có sự thay đổi: không phải mọi quyền hạn, lợi ích đều do nam giới quyết định. Xét về góc độ giới, đã có sự thay đổi trong phân biệt con trai, con gái. Trong mỗi gia đình thời nay, con trai hay con gái cũng đều được đầu tư như nhau về chăm sóc sức khỏe, học hành, cơ hội nghề nghiệp. Bạo lực gia đình tuy vẫn còn xảy ra nhưng ít nhất cũng có sự cảnh báo rằng hành vi nào là vi phạm pháp luật. Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn dù nhận thức đã hình thành nhưng chuyển ý thức sang hành động thì chưa đồng bộ, kịp thời. Như chính sách về cán bộ nữ vẫn chưa thay đổi, chưa có hành động thiết thực để chia sẻ cùng phụ nữ vượt qua rào cản định kiến giới. Vì chưa thật sự chuyển từ ý thức sang hành động nên các hoạt động gần như đứng ngoài cuộc, phần lớn là hô hào, kêu gọi chị em cố gắng vươn lên thực hiện bình đẳng giới. Điều đó vô tình trở thành gánh nặng cho phụ nữ. Trong phòng chống bạo lực gia đình, biện pháp chế tài là chưa đủ sức răn đe. Tố cáo chồng bạo hành, chồng bị phạt tiền nhưng người đóng tiền phạt lại là… vợ. Thế là chị em ngán ngại và tiếp tục quay lại vòng lẩn quẩn: an phận và cam chịu.
Tư tưởng phong kiến ăn sâu vào ý thức của mỗi chúng ta từ đời này sang đời khác. Muốn thay đổi được điều đó không thể một sớm một chiều. Nhưng khi bình đẳng giới được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, ý thức trong dân đang dần thay đổi theo hướng tích cực thì đó là tín hiệu đáng mừng, khẳng định niềm tin một xã hội bình đẳng tiến bộ vào
ngày mai…