Đại biểu Nguyễn Văn Chính, đơn vị huyện Ba Tri đặt vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Đồng
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy rác
Trả lời chất vấn của đại biểu về nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho biết: “Đến nay, qua trao đổi với nhà đầu tư và khảo sát thực tế, nhà đầu tư đã thực hiện xong xưởng chính, đã lắp đặt và vận hành hệ thống phân loại rác, hoàn chỉnh hầm ủ phân và dây chuyền sàn phân loại rác, cơ bản xử lý được một phần rác thải nhưng chưa hoàn chỉnh do lò đốt rác và hệ thống xử lý nước thải còn đang trong quá trình xây dựng”.
Nguyên nhân chậm tiến độ của dự án được xác định chủ yếu là do khâu bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư chậm. Ông Đoàn Công Dũng cho biết, từ năm 2012 đến nay tỉnh đã bàn giao đất cho nhà đầu tư thành 3 đợt (tháng 11-2013, 4-2014, 8-2016) hiện đạt 3,8/4,2ha, vẫn còn 3 hộ chưa di dời. Nguyên nhân chậm tiến độ còn do năng lực nhà đầu tư hạn chế trong huy động vốn.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết thêm, đặc trưng của khu vực xây dựng bãi rác là phần ranh giới giữa TP. Bến Tre và huyện Châu Thành. Trong quá trình trích lục hồ sơ, có sự sai sót về số thửa đất, nên khó khăn trong việc cưỡng chế di dời. Hiện vẫn còn 1 trường hợp hộ dân tái lấn chiếm, trồng cây ăn trái trong khu vực xây dựng dự án nên tiếp tục gây khó khăn cho việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng, nhà đầu tư đã cam kết xây dựng hạng mục lò đốt rác và hệ thống xử lý nước thải đến thời điểm cuối tháng 8-2019 đưa vào hoạt động. Sở sẽ tiếp tục thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ giải quyết khó khăn để đảm bảo tiến độ. Khi các hạng mục của nhà máy xử lý rác được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động đồng bộ thì sẽ xử lý rác đạt hiệu quả theo yêu cầu đã cam kết.
Sở Xây dựng cũng đã phối hợp cùng các địa phương và ngành chức năng khảo sát các bãi rác hiện tại trên địa bàn tỉnh, và sẽ kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh có hướng điều chỉnh quy hoạch trong tháng 7-2019 để đáp ứng nhu cầu xử lý rác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện tại. Sở có hướng đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý các loại rác nguy hại trong thời gian tới.
Việc thiếu giáo viên mầm non
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Bữu cho biết, một số nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên mầm non thời gian qua là do chuyển đổi sang dạy và học 2 buổi/ngày, đòi hỏi cần có 2 giáo viên/lớp nên thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, biên chế giáo viên của tỉnh hiện không tăng và có hướng cắt giảm nên Sở Giáo dục và Đào tạo thời gian qua đã cân đối biên chế, chuyển biên chế đã nghỉ hưu ở các cấp phổ thông để sử dụng cho giáo dục mầm non. Hướng tới, Sở kiến nghị đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non để giảm áp lực thiếu giáo viên mầm non trường công lập. Đồng thời, Sở đề nghị không cắt giảm biên chế ngành giáo dục một cách cơ học mà xét theo nhu cầu thực tế. Đối với việc thực hiện chế độ chính sách dành cho giáo viên mầm non, thời gian qua ngành giáo dục đã triển khai thực hiện đầy đủ. Sở có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để có hướng thay đổi để giáo viên mầm non có mức lương cơ bản cao hơn.
Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Mãi có ý kiến, ngành giáo dục cần có cách tiếp cận mới về xã hội hóa giáo dục mầm non, đánh giá hiện trạng các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện có để có hướng đề xuất chuyển đổi sang ngoài công lập, dành biên chế để phát triển giáo dục mầm non ở những nơi không có khả năng thu hút xã hội hóa.
Khắc phục trong đo đạc đất đai
Trả lời chất vấn vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến tháng 6-2018, kết quả thực hiện ở 5 huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách, Thạnh Phú và Ba Tri chỉ đạt 73%. Số lượng cấp giấy tồn đọng khá lớn, chưa đạt theo Nghị quyết đề ra. Tháng 7-2018, UBND tỉnh có tổ chức hội nghị đánh giá, chỉ đạo. Đến nay, nhiều huyện có số lượng cấp đổi tăng, trên 89%. Nguyên nhân là không lường trước khối lượng công việc quá lớn, sự phối hợp giữa lực lượng phòng tài nguyên, chi nhánh văn phòng đăng ký cấp huyện, xã còn lúng túng. Mặt khác, nguồn lực để tập trung công tác này bị phân tán, áp lực giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày khá lớn. Công tác phối hợp huyện, xã và ngành bị động. Kinh phí cho việc thực hiện, việc trình dự toán định mức để bổ sung kinh phí còn lúng túng, nhất là xác định phần định mức, những dự án cần đầu tư thêm. Bên cạnh đó, một số hộ dân có được phát hành thư mời đến cấp đổi nhưng chưa quan tâm. Hướng tới, Sở sẽ tập trung tham mưu các giải pháp, tiếp tục mời hộ dân đủ hai lần đến cấp đổi nhưng dân không đến sẽ báo cáo UBND tỉnh lưu hồ sơ, khi nào người dân cần sẽ tiếp tục thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Chinh, việc cấp đổi mới song song với việc khắc phục sai sót. Sở sẽ xin ngân sách để chi đối với trường hợp cấp đổi cho người dân trong vùng dự án có sai sót. Dự kiến sẽ bổ sung nguồn kinh phí này trong năm 2019-2020… Tuy nhiên, Sở thu phí cấp đổi đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi lẻ theo nhu cầu người sử dụng đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải thích thêm là do số lượng đơn đo tách thửa tăng đột biến rất nhanh. Quyết định số 59, năm 2017 của UBND tỉnh quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa, đã dẫn đến phát sinh số lượng hồ sơ lớn, trung bình 1 ngày có 50 đơn tách thửa.
Mặt khác, đơn giá đo đạc hiện nay là rất thấp, bằng 50% so các tỉnh lân cận. Tổ đo không đủ chi phí. Do đó không khuyến khích các công ty có tư cách pháp nhân thực hiện đo đạc (9 công ty) tham gia. Các nguồn đơn chỉ tập trung về Văn phòng của Sở giải quyết. Trong lúc số lượng đơn tăng nhưng lực lượng nhân sự không tăng, thiết bị, trụ sở không đảm bảo, anh em đo đạc gặp nhiều khó khăn.
Về giải pháp, Sở Tài guyên và Môi trường đề xuất 3 giải pháp: đổi mới công nghệ đo đạc, nhằm đảm bảo đo nhanh, chính xác; tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh đơn giá đo đạc; đề xuất tăng cường làm thêm ngày thứ bảy để đảm bảo hiệu quả công việc trước mắt và tổ chức củng cố lại bộ máy đảm bảo theo yêu cầu người dân.
Dự kiến, tháng 8-2019, Sở sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ mới, đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ nội dung này. Trước mắt Sở Tài nguyên và Môi trường có thể xin ứng nguồn cải cách tiền lương.
Thi hành án dân sự còn tồn đọng số lượng lớn
Ông Châu Văn Thơi - Đại biểu HĐND tỉnh khóa IX đơn vị huyện Giồng Trôm chất vấn nội dung thi hành án dân sự. Ảnh: Q.Hùng.
Số việc án phải thi hành 6 tháng cuối năm 2019 còn đến 9.158 việc là rất lớn. Cục Thi hành án dân sự tỉnh có những giải pháp gì để tổ chức thi hành đối với các việc án còn tồn đọng tại các cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cấp huyện trong 6 tháng cuối năm 2019?
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31-5-2019, các cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã thụ lý 16.372 việc tương ứng hơn 1.228,509 tỷ đồng; tăng cao hơn cùng kỳ là 742 việc và tăng hơn 257,131 tỷ đồng. Đã giải quyết xong 7.214 việc/tiền 292.958.794.369 đồng; còn phải thi hành chuyển sang tháng 6-2019 là 9.158 việc/tiền 935.551.074.000 đồng.
Trả lời nội dung này, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Trần Văn Liêm cho biết: Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục mở đợt “Cao điểm thi hành án dân sự” từ ngày 1-7 đến 30-9-2019. Lãnh đạo Cục tăng cường đi cơ sở chỉ đạo tập trung xác minh phân loại, đẩy nhanh tiến độ thi hành án có giá trị lớn, án tín dụng, ngân hàng, kết hợp kiểm tra, đôn đốc và giám sát các chấp hành viên, lãnh đạo chi cục thanh hành án dân sự, nhằm nâng dần tỷ lệ thi hành án xong, quyết tâm thi đua hoàn thành vượt chỉ tiêu thi hành án dân sự, hành chính được giao là đạt 73% về việc và 33% về tiền.
Tăng cường công tác dân vận thi hành án, vận động người được thi hành án nhận tài sản để trừ tiền thi hành án (sau hai lần giảm giá mà không có người đăng ký mua). Điều động đội ngũ chuyên môn đến những địa bàn có tỷ lệ thi hành án dân sự tăng. Tăng cường xác minh rà soát đề nghị tòa án xét miễn giảm đối với các việc án phải thi hành cho ngân sách nhà nước có đủ điều kiện theo Điều 61 Luật Thi hành án dân sự. Kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những việc án có điều kiện, đã động viên, vận động nhiều lần nhưng vẫn không tự nguyện thi hành.
Bổ sung giải pháp thực hiện trong thời gian tới, ông Võ Văn Phê - đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, đơn vị huyện Giồng Trôm cho rằng: Để đảm bảo công tác thi hành án dân sự thì yếu tố then chốt là nâng cao trách nhiệm đội ngũ làm công tác chuyên môn của ngành. Đồng thời, thi hành án dân sự cần tiến hành phân loại việc án và có kế hoạch để thực hiện.
T. Đồng - C.Trúc - Q. Hùng