Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận tại Tổ 9, chiều ngày 25-5-2024.
Đại biểu đánh giá cao và cũng đồng tình với nội dung trong Báo cáo số 2792/BC-UBKT15 ngày 15-5-2024 của Ủy ban Kinh tế về việc thẩm tra cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) vì nội dung của Báo cáo thẩm tra thể hiện đầy đủ, chi tiết bao hàm hầu hết các vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Tuy nhiên qua hoạt động thực tiễn và thông qua quá trình giám sát các dự án tương tự dự án, đại biểu góp ý về sự cần thiết đầu tư dự án. Đại biểu cho biết, đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thật sự là vùng phát triển kinh tế - xã hội thấp so với cả nước, không có tuyến đường biển, đường sông, không có cảng hàng không, đường sắt nên phát triển đường cao tốc ở đây là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Trong danh mục quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, mặc dù có những dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây nhưng đại biểu cho rằng ưu tiên cho dự án này là phù hợp nhất.
Về tên dự án, theo Tờ trình số 215/TTr-CP ngày 4-5-2024 của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tên dự án là “Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức đối tác công tư”, nhưng Báo cáo thẩm tra số 2792/BC-UBKT15 không có nội dung đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đại biểu đồng tình với việc đổi tên vì dự án này vừa có đối tác công tư mà cũng vừa có đầu tư công. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra phải nêu rõ lý do cần đổi tên khác với tờ trình của Chính phủ.
Liên quan đến các quy hoạch, trong báo cáo nêu rất nhiều quy hoạch liên quan, về sự phù hợp của dự án với với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tỉnh và rất nhiều quy hoạch khác. Nhưng cũng cần quan tâm đến các quy hoạch ngành quốc gia như: quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch đô thi, quy hoạch nông thôn. Không thể vì dự án không chuyển đổi nhiều diện tích rừng (chỉ 46ha rừng sản xuất) mà lại không quan tâm đến các quy hoạch này.
Về vấn đề hướng tuyến, trong Báo cáo thẩm tra số 2792/BC-UBKT15 và Tờ trình số 215/TTr-CP của Chính phủ cho thấy có sự điều chỉnh hướng tuyến so với Quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng việc cập nhật hướng tuyến mới chưa được cập nhật theo quy hoạch của mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đại biểu cho biết, qua giám sát, có một số công trình quan trọng quốc gia về giao thông thường điều chỉnh hướng tuyến, thậm chí khi triển khai rồi vẫn còn điều chỉnh (như tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông). Vì vậy, đại biểu đề nghị việc điều chỉnh hướng tuyến cần có sự khảo sát, đánh giá một cách toàn diện và ổn định hơn để tránh trường hợp thi công rồi sau đó điều chỉnh hướng tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn về thủ tục điều chỉnh, thẩm quyền, kinh phí, ảnh hưởng đến tiến độ thi công đã cam kết.
Về phương thức đầu tư, đại biểu đồng tình phương thức đầu tư là chia thành 5 dự án thành phần. Tuy nhiên, đối với dự án thành phần thứ 1 về đầu tư thi công công trình theo hình thức PPP, đại biểu lo lắng về tính khả thi của dự án này sẽ không cao. Bởi vì vị trí đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) lưu lượng xe không lớn nhưng đã có 2 đường giao thông song hành được thu phí theo hình thức BOT nếu đầu tư thêm dự án này thì sẽ chia nhỏ lưu lượng, trong khi suất đầu tư dự án cao tốc cao, thời gian thu phí ngắn sẽ dẫn đến giá phí cao thì người tham gia giao thông sẽ đi hướng khác, nên việc dự báo lưu lượng xe sẽ liên quan đến thời gian thu phí.
Hiện nay, Chính phủ cũng chưa có giải pháp nào ngoài giải pháp thực hiện đúng theo phương pháp đối tác công tư là rủi ro tới đâu chia sẻ tới đó, nếu không làm được PPP thì chuyển qua đầu tư công. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chủ động hơn, xây dựng nhiều kịch bản, trong trường hợp không đầu tư được PPP sẽ chuyển hoàn toàn sang đầu tư công thì có đáp ứng được nguồn vốn cho đầu tư công hay không hoặc thay đổi tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn đầu tư PPP và đầu tư công bằng cách tăng tỷ lệ đầu tư công hay đề ra những phương án khả thi khác để làm cơ sở cho đại biểu nghiên cứu, biểu quyết.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo Báo cáo thẩm tra số 2792/BC-UBKT15 đã nêu thì vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào chính quyền địa phương, trong khi dự án sử dụng hàng ngàn ha đất nông nghiệp, thổ nhưỡng tốt, trên địa bàn đất chật người đông, việc tìm nguồn đất khác để bố trí sản xuất và tái định cư là không dễ, nhất là vùng dự án có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư, việc xác định nguồn gốc đất để bồi thường không phải là vấn đề nhỏ cho dù Quốc hội có cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tách dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập, dự án thành phần. Hơn nữa, việc cam kết đảm bảo nguồn vốn đối ứng của địa phương cũng khó khả thi đối với các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, cần sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương, khai thác thêm các nguồn vốn khác để giảm áp lực cân đối vốn cho địa phương để đảm bảo tính khả thi.
Thứ ba, về các cơ chế đặc thù, đại biểu cơ bản đồng tình nội dung những cơ chế đặc thù này vì đã được áp dụng đối với các dự án quan trọng quốc gia khác nhưng đại biểu còn lo lắng và không đồng tình về việc dự án này bỏ qua đánh giá tác động môi trường, trong khi dự án này sử dụng hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp và di dời, ảnh hưởng sinh kế 1.228 hộ dân, nhất là đánh giá tác động môi trường ngoài các yếu tố môi trường còn liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là vùng này là vùng dân tộc thiểu số thì những phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ cúng nhiều nếu chúng ta không đánh giá tác động kỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ dự án.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “Chính phủ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu dự án”, vì kinh nghiệm cho thấy, nhiều dự án quan trọng quốc gia sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư phải điều chỉnh chủ trương vì có sự thay đổi rất lớn về số liệu đầu tư.
Tin, ảnh: Hồng Yến