Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

15/06/2022 - 17:33

BDK.VN - Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 15-6-2022, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy - đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn cần phải xem xét điều chỉnh một số nội dung:

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy - đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi thảo luận.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy - đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi thảo luận.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Đại biểu thống nhất với những căn cứ đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo quy định nội dung này chưa đầy đủ và cân đối so với tổng thể dự thảo luật vì các lý do sau:

Một là, điều tra cơ bản về dầu khí chỉ gồm 5 Điều trong tổng số 64 Điều của toàn bộ dự thảo luật là quá ít, trong khi nhiều nội dung liên quan chưa được điều chỉnh;

Hai là, phạm vi điều chỉnh bao gồm cả đất liền và hải đảo, nhưng quy định điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí chỉ tập trung ở vùng biển, chưa quy định ở đất liền và hải đảo, nhất là vùng phức tạp về an ninh quốc phòng.

Ba là, thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí bao gồm cả tổ chức và cá nhân nhưng không thấy có điều khoản nào quy định về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.

Về điều tra cơ bản về dầu khí: Dự thảo luật quy định 1 Chương và 5 Điều; dự thảo nghị định có 4 Điều hướng dẫn chi tiết về hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí nhưng vẫn chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của luật và chưa đảm bảo khả năng thực thi trong thực tiễn. Cụ thể:

Thứ nhất, liên quan đến thẩm định đề án điều tra cơ bản về dầu khí: Dự thảo chưa quy định rõ thành phần, số lượng, trình độ chuyên môn của thành viên Hội đồng thẩm định, cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thẩm định. Chủ tịch Hội đồng và thành viên Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm tới đâu đối với những quyết định của Hội đồng và hậu quả gây ra từ những quyết định của Hội đồng.

Thứ hai, quy định về bảo vệ môi trường trong điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện như thế nào và theo pháp luật nào. Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí, chưa quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, trong khi dự thảo Luật Dầu khí thì dẫn chiếu theo pháp luật về môi trường.

Thứ ba, các dự thảo luật và nghị định quy định thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản về dầu khí được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công có thu phí. Tuy nhiên, dự thảo luật, cũng như dự thảo nghị định chưa quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của trang thiết bị, máy móc sử dụng trong điều tra cơ bản về dầu khí, cũng như là hệ thống dữ liệu tiêu chuẩn, đơn vị đo lường để đảm bảo tính chính xác, thống nhất, phổ thông, đại chúng và độ tin cậy của dữ liệu được cung cấp.

Thứ tư, việc xác định và xử lý tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản về dầu khí. Dự thảo luật chưa quy định về quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân đối với cơ sở dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản về dầu khí trong trường hợp tổ chức, cá nhân tự đầu tư kinh phí thực hiện.

Thứ năm, hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động liên quan chặt chẽ đến quốc phòng an ninh, nhưng chưa thấy quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân cũng như chưa thấy đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư.

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn dầu khí quốc gia PVN: Ngoài 5 Điều được quy định tại Chương IX, dự thảo luật còn dành 34 khoản trong 21 Điều quy định về thẩm quyền của PVN, đại biểu cho rằng quy định như vậy rất nhập nhằn, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực. Đại biểu dẫn chứng:

Có lúc PVN đóng vai trò của nhà thầu như quy định tại Điều 23; 32; và 33; có lúc PVN đóng vai trò của công ty mẹ như quy định tại Điều 35 và 36; có lúc PVN lại gần như đóng vai trò quản lý nhà nước như tại các Điều từ 37 đến 45.

Đồng thời các Điều 39, 40, 43 quy định thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí; kế hoạch phát triển mỏ dầu khí; kế hoạch thu dọn công trình dầu khí của Bộ Công Thương; nhưng lại giao thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh tương ứng <10 %, <20%. Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ đến mức đáp ứng tiêu chí ở cấp được ủy quyền phê duyệt, nhằm vụ lợi và tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phân định rạch ròi quyền và trách nhiệm tương ứng. Đồng thời làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất, PVN là doanh nghiệp Nhà nước có được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dầu khí không? Nếu có khi thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dầu khí thì PVN chịu sự điều chỉnh theo pháp luật nào? Ai sẽ là người đại diện để thực hiện quyền trong trường hợp này?

Thứ hai, PVN chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung do PVN thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định, phê duyệt gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước?

Thứ ba, áp dụng quy định pháp luật nào để xây dựng dự thảo tại khoản 9 Điều 53, theo đó PVN được coi là không vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước khi tham gia cùng với doanh nghiệp có vốn góp của PVN mua lại quyền tham gia, quyền ưu tiên mua lại quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Về quản lý nhà nước về dầu khí tại Chương X là hoạt động quan trọng cần được quy định đầy đủ, chặt chẽ và phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ đó mới có cơ sở xác định trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương. Thiết kế như dự thảo luật được hiểu là hoạt động quản lý Nhà nước chỉ gồm 9 hoạt động từ khoản 1 đến khoản 9 Điều 58 và được Chính phủ giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm, có sự nhầm lẫn giữa hoạt động quản lý Nhà nước và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện nội dung quản lý Nhà nước và vượt khỏi phạm vi điều chỉnh của luật. Do vậy, đại biểu đề nghị thiết kế lại Chương X theo hướng quy định nội dung quản lý nhà nước tương thích với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, trong đó đổi tên Chương X là Quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Bổ sung một điều quy định về nội dung quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, rà soát bổ sung những nội dung còn thiếu vào điều này như Đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…). Đồng thời, quy định các điều riêng về trách nhiệm quản lý nhà nước lần lượt của Chính phủ, của Bộ Công Thương, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Bộ Quốc phòng, của các bộ, ngành liên quan và của UBND các cấp.

Về hợp tác quốc tế điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí: đại biểu đề nghị bổ sung một điều quy định về nội dung hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Đại biểu cho rằng nội dung này rất quan trọng, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ áp dụng trong ngành dầu khí quyết định hiệu quả của hoạt động dầu khí, hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí không đơn thuần là hoạt động kinh tế mà còn đan xen yếu tố chính trị, an ninh quốc phòng nên cần quy định chi tiết, xác định rõ nội dung hợp tác quốc tế, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan được giao nhiệm vụ hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Tin, ảnh: Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN