Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

27/10/2023 - 16:19

BDK.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27-10-2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi tham gia góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại hội trường.

Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre quan tâm đóng góp một số vấn đề cụ thể vào dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

 Thứ nhất, theo dự thảo luật, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được giao rất nhiều nhiệm vụ quy định từ Điều 6 đến Điều 12, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, hoạt động của các cơ sở kinh doanh và được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, để đảm bảo quy định của Luật được đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất với ý kiến của nhiều đại biểu, đề nghị bổ sung các quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở về xử lý vi phạm; đồng thời, quy định cơ chế phản ánh, kiến nghị của nhân dân khi lực lượng này có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, về bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Điều 14, theo dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 5 thì HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định số lượng tổ và số lượng chức danh của từng Tổ bảo vệ ANTT theo đề nghị của UBND cấp tỉnh trên cơ sở tổng hợp từ cấp xã, huyện. Tại dự thảo Luật lần này có sự điều chỉnh theo hướng HĐND cấp tỉnh sẽ quy định tiêu chí thành lập Tổ, tiêu chí về số lượng chức danh của Tổ bảo vệ ANTT; trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh sẽ quyết định số lượng tổ, số lượng chức danh của Tổ bảo vệ ANTT.

Đại biểu thống nhất quy định theo hướng này. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều này lại quy định “Căn cứ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều này, Chủ tịch UBND cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định thành lập Tổ bảo vệ ANTT và từng chức danh của Tổ bảo vệ ANTT tại thôn, tổ dân phố”. Trong khi HĐND cấp tỉnh chỉ quy định tiêu chí còn UBND cấp tỉnh mới là cơ quan quyết định số lượng. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh khoản này theo hướng “Căn cứ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và quyết định của UBND cấp tỉnh tại khoản 3, khoản 4 Điều này, Chủ tịch UBND cấp xã theo đề nghị của công an cấp xã quyết định thành lập Tổ bảo vệ ANTT và từng chức danh của Tổ bảo vệ ANTT tại thôn, tổ dân phố”.

Do dự thảo lần này có sự thay đổi quy định về thẩm quyền của HĐND và UBND cấp tỉnh nên đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật để điều chỉnh nội dung này cho phù hợp.

Thứ ba, về điều chỉnh chức danh, điều chỉnh Tổ bảo vệ ANTT, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Điều 17: khoản 2 Điều 17 có quy định dẫn chiếu đến điểm c khoản 1 Điều này, tuy nhiên khoản 1 chỉ có 2 điểm là a và b, không có điểm c. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh lại việc dẫn chiếu cho phù hợp. Tại khoản 3 Điều 17 quy định các trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Ngoài các trường hợp được quy định trong dự thảo như: Có đơn xin thôi tham gia, không đảm bảo sức khỏe, không chấp hành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật hình sự, chấp hành biện pháp xử lý hành chính, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một trường hợp sẽ cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đó là vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 2 Điều 6 về “lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”

Thứ tư, về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp được quy định tại Điều 30. Tại điểm c, khoản 1, Điều 30 quy định HĐND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm “giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở”. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì HĐND các cấp không chỉ giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND mà còn giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương. Vì vậy, đề nghị bổ sung trách nhiệm của HĐND tại điểm c cho phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể là bổ sung thẩm quyền giám sát việc thực hiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoặc bỏ điểm c, Khoản 1 Điều này vì việc thực hiện giám sát của HĐND các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, không cần quy định thêm tại dự thảo Luật này.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN