Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị nghiên cứu các tiêu chí của các dự án được hưởng cơ chế đặc thù

09/11/2023 - 21:01

BDK.VN - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 9-11-2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường hai nội dung: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết (NQ) 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo NQ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Bến Tre, tham gia thảo luận tại Hội trường sáng 8-11-2023.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Bến Tre, tham gia thảo luận tại Hội trường sáng 8-11-2023.

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo NQ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng: Thứ nhất, qua nghiên cứu tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như qua theo dõi thảo luận, đặc biệt là Báo cáo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của nhiều đại biểu sáng nay, đại biểu tán thành cao việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết.

Theo đại biểu, thời gian qua, Quốc hội đã thông qua rất nhiều cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố nhưng dự thảo NQ này giống như một cơ chế đặc thù cho một ngành cụ thể, đó là ngành giao thông, các công trình đưa ra là các công trình trọng điểm, cao tốc, công trình liên vùng, đây là một điểm rất mới đối với Quốc hội.

Thứ hai, qua tham khảo các chính sách, đa phần chính sách đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất triển khai và đã từng triển khai thí điểm, cụ thể như chính sách về ngân sách nhà nước tham gia đến 70% dự án PPP đã được Quốc hội thông qua NQ số 98 cho TP. Hồ Chí Minh áp dụng. Theo đại biểu, các dự án PPP về nguyên tắc thu hút các nguồn lực đầu tư từ nguồn xã hội hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án thấy có hiệu quả nguồn thu, hoàn lại đầu tư càng nhanh thì nhà đầu tư sẽ càng quan tâm.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua rất nhiều dự án đường cao tốc, các công trình liên vùng nhưng hầu hết sử dụng từ vốn ngân sách nhà nước. Hiện nay, theo đại biểu ngân sách chi ra càng ít càng tốt, phần còn lại các nhà đầu tư đóng góp, đây cũng là chia sẽ gánh nặng cho ngân sách trong đầu tư thay vì đầu tư công 100%. Do đó, đại biểu nhận thấy thật sự có lợi cho dân vì các dự án PPP mà nhà đầu tư càng bỏ ra ít, thời gian thu phí càng ngắn, người dân sẽ rất đồng tình. Một dự án PPP mà thời gian thu phí từ 20 - 30 năm, thậm chí 40 năm người dân sẽ rất phản ứng và nhiều dự án cũng đã gặp vấn đề này. Vì vậy, đại biểu cho rằng những cơ chế đặc thù mà Chính phủ đề xuất phù hợp với thực tế, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông đường bộ.

Thứ ba, đại biểu góp ý một số nội dung trong các chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Về các tiêu chí, đại biểu thấy rất phù hợp vì đề xuất cho danh mục dự án kèm theo cụ thể, không để hiểu khác, hiểu rộng cho nhiều dự án chưa có trong danh mục, còn nếu không đưa ra danh mục dự án thì đề nghị nêu rõ nguyên tắc, tiêu chí chung, dự án nào đáp ứng thì có thể áp dụng cho giao đoạn thí điểm 2023 - 2025.

 Trong các công trình, dự án ở địa phương, nhiều tỉnh, thành khi đề xuất dự án không phải là đường cao tốc, cũng không phải nằm ở những tuyến huyết mạch giao thông mà có những dự án mở ra cho những vùng mới để tạo hành lang kinh tế mới.  Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 18-7-2023 quy định cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực hiện 16 dự án, các dự án liên tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, đó là cầu Cổ Chiên 2, cầu Cửa Đại không nằm trên quốc lộ, không phải là tuyến huyết mạch, đây hoàn toàn mở ra một tuyến mới. Từ đó, đại biểu cũng kiến nghị, với những dự án đáp ứng tiêu chí mà chưa có trong phụ lục dự thảo NQ, đề xuất Chính phủ xem xét, bổ sung vào danh mục. Về cách làm, những dự án nào đã rõ nguồn vốn, đã đủ thủ tục thì cho triển khai ngay, còn dự án nào chưa hoàn thành thủ tục mà đáp ứng tiêu chí thì nên xem xét áp dụng cơ chế đặc thù theo thời gian cho phép của dự thảo NQ này.

Về thời gian thực hiện, đại biểu cho rằng, một dự án đầu tư công tốn rất nhiều thời gian nếu danh mục đầu tư kèm theo dự thảo NQ này được Quốc hội thống nhất triển khai 3 năm 2023 - 2025 là không thể thực hiện xong. Việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hết sức cân nhắc đề xuất khung thời gian để triển khai, áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù thật sự hợp lý.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN