Đại biểu Quốc hội chuyên trách dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

29/03/2022 - 12:50

Sáng 29-3-2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Xây dựng nền điện ảnh chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

“So với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới. Đến nay, dự thảo Luật đã đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu về thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh, công nghiệp điện Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5): Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, bổ sung thêm một số chính sách theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan; gộp điều 5 và điều 6, quy định chung chính sách về điện ảnh và công nghiệp điện ảnh trong điều 5 của dự thảo Luật; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước và hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện; đồng thời lược bỏ một số quy định trùng lặp về công tác quản lý nhà nước đã được quy định ở Điều 45 Luật này.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh (Điều 8): Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật đầu tư. Vốn điều lệ quy định trong dự thảo Luật là vốn điều lệ của tổ chức kinh tế. Tỷ lệ đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh tuân thủ các cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu giải trí vừa là công cụ có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục và quảng bá hình ảnh đất nước.

Về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21): Theo Thường trực Ủy ban, phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Do vậy, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng;…

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (điều 42, 43, 44): Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật và các nội dung giải trình về thành lập Quỹ nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập, do vậy đề nghị bỏ Mục 2 (các Điều 42, 43, 44) và bổ sung chính sách khuyến khích thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như quy định tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật. Cơ quan trình dự án Luật đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 với các lý do trong Tờ trình số 335/TTr-Cp ngày 23/9/2021 của Chính phủ. Do vậy, Thường trực Ủy ban trình các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến 2 phương án: (1) Bỏ Mục 2 gồm 3 điều 42, 43, 44 ra khỏi dự thảo Luật;  (2) Giữ quy định tại Mục 2 lại như dự thảo Luật.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết về nội dung tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến quy định về sản xuất phim, Về cấp Giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim (Điều 27 và Điều 31); Về phân loại phim (Điều 32);…

Bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết

Cho ý kiến tại hội nghị, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Nhấn mạnh đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung nhiều nội dung mới, tiếp thu tương đối đầy đủ nhiều ý kiến hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đảm bảo chất lượng tốt nhất, các đại biểu đề nghị xem xét, làm rõ thêm nhiều nội dung liên quan đến: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; Về cấp Giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim, (Điều 27 và Điều 31); Phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; Về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41);…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung được trình xin ý kiến liên quan đến quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (điều 42, 43, 44); Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13);…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc tiền kiểm hay hậu kiểm cần xuất phát từ bản chất của điện ảnh- đây là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Đại biểu nhấn mạnh, một tác phẩm điện ảnh như một phim đã được phát hành ra công chúng thì không thể thu lại từ tâm trí người xem, người tiếp nhận. Đặt yếu tố này trong bối cảnh thể chế, truyền thống văn hóa nước ta, thì việc học tập kinh nghiệm các quốc gia có thể chế chính trị khác cần hết sức cân nhắc, thận trọng. Vì vậy, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động và bổ sung thêm cơ chế xử lý sau hậu kiểm để Quốc hội xem xét, quyết định; bổ sung thêm nhiều thông tin trong báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định phối hợp công tư trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, cần bổ sung vào Dự án Luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định các tiêu chí chung đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các dấu hiệu mà một bộ phim có khả năng ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Trên cơ sở đó, chủ thể phổ biến phim nếu xác định phim có dấu hiệu này phải gửi Hội đồng để phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng; các trường hợp khác, chủ thể phát hành phim tự quyết định phổ biến và chịu trách nhiệm.

Đồng thời, khoản 4 Điều 21 Dự thảo Luật quy định: Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam có nghĩa vụ tương tự như tổ chức Việt Nam. Do đó, trường hợp Quốc hội quyết định hậu kiểm như Tờ trình của Chính phủ thì cần tính đến yếu tố cạnh tranh của thị trường điện ảnh trong nước. Nên chăng cần có rào cản kỹ thuật đối với các tổ chức nước ngoài này. Mặt khác, cũng cần bổ sung quy định về cơ chế kiểm soát, xác định trách nhiệm đối với các chủ thể này chặt chẽ hơn so với các tổ chức trong nước.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (điều 42, 43, 44), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trình 2 phương án: (1) Bỏ Mục 2 gồm 3 điều 42, 43, 44 ra khỏi dự thảo Luật;  (2): Giữ quy định tại Mục 2 như dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo Luật và các nội dung giải trình về thành lập Quỹ nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập, do vậy đề nghị bỏ Mục 2 (các Điều 42, 43, 44) và bổ sung chính sách khuyến khích thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như quy định tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí với Phương án 1 của Dự thảo Luật là không quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với tư cách là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định để tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các Quỹ tư nhân về phát triển công nghiệp điện ảnh. Tại khoản 4 Điều 5 của Dự thảo Luật cũng đã quy định Nhà nước khyến khích việc tài trợ, hiến tặng cho hoạt động điện ảnh và các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do các tổ chức, cá nhân thành lập. Để chính sách này được đi vào cuộc sống, đại biểu cho rằng Dự án Luật cần bổ sung quy định về việc thành lập, tổ chức hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh ngoài nhà nước do các tổ chức, cá nhân thuộc khu vực tư thành lập.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị.

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13), đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ. Theo đại biểu, chúng ta mong muốn thu hút các nhà làm phim đến Việt Nam sử dụng các bối cảnh của Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, các quy định của chúng ta làm quá chặt chẽ. “Quan trọng tác phẩm đưa ra không vi phạm Điều 9 – những điều cấm của Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì chúng ta hoàn toàn đồng ý việc các cảnh quay tại Việt Nam được xuất hiện trong phim còn không nhất thiết phải quy định các vấn đề khác,…”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị vấn đề cấp phép, phân loại phim cần rà soát đảm bảo thủ tục chặt chẽ nhưng linh hoạt, tránh rườm rà, mất thời gian.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số chính sách cụ thể. “Chưa thấy sự gắn kết và mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế, nếu trong dự thảo chưa làm rõ vấn đề này, nếu quy định chung chung như hiện nay thì rất khó để đi vào thực tiễn cuộc sống vì vậy đề nghị ban soạn thảo quan tâm đầu tư thêm để có áp dụng trong thực tiễn…” Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, quy định về chính sách nhà nước đối với điện ảnh chủ yếu tập trung vào quản lý hành chính, điều kiện phải thực hiện. Đại biểu đề nghị bổ sung theo hướng thực sự khuyến khích để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần có sự đầu tư kịch bản; quy định rõ tiêu chí để hội đồng thẩm định có căn cứ thẩm định phim; giải trình rõ hơn về thủ tục thẩm định, cấp phép phân loại phim để phát hành; một số nội dung hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; cách dùng từ ngữ, phạm vi quy định về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim; nghiên cứu bổ sung quy định về phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các quy định cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi hơn. …

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội và đặc biệt là sau phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với trách nhiệm là cơ quan soạn thảo, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra từng bước hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

“Đúng như Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo, đây là một bộ luật phải đảm bảo được 2 mục tiêu vừa tạo điều kiện để phát triển môn nghệ thuật đồng thời mở ra một hướng là một ngành công nghiệp văn hóa Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo phải làm sao cân đối được các mục tiêu chính này để thiết kế các điều luật phù hợp với xu thế chung. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, cơ quan đã nghiên 20 luật của các nước phát triển khác nhau, đồng thời tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Điện ảnh để xem xét các vấn đề;…  ”, Bộ trưởng Nguyên Văn Hùng nêu rõ.

Nhấn mạnh đây là bộ luật khó, có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu đối với 5 nhóm vấn đề đại biểu nêu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung làm việc, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhất trí đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý cũng như nhiều nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời tham gia cụ thể một số vấn đề về: chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; thẩm định, phân loại phim, cấp giấy phép phân loại phim; về phổ biến phim trên không gian mạng; về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

“Tinh thần chung là việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng,..”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, một số vấn đề đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát việc xây dựng Luật đã đáp ứng quan điểm, yêu cầu khi ban hành Luật hay chưa; nghiên cứu làm rõ hơn hoặc quy định trong Luật Điện ảnh sửa đổi để đảm bảo khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Đánh giá cụ thể, thuyết phục hơn tác động quy định tiền kiểm, hậu kiểm phim trên không gian mạng, vai trò quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm; quy định về chủ thể phát hành phim trên không gian mạng. Cơ chế, yêu cầu hợp tác đầu tư, dịch vụ cho sản xuất phim nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để tạo nguồn lực tốt hơn cho phát triển điện ảnh; về chính sách đột phá, chính sách ưu đãi, mối liên quan điện ảnh với phát triển kinh tế - xã hội; quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và nhiệm vụ chi đối với ngân sách nhà nước, Quỹ tư nhân về phát triển điện ảnh. Đồng thời, giải trình rõ hơn về thủ tục thẩm định, cấp phép phân loại phim để phát hành; một số nội dung hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; cách dùng từ ngữ, phạm vi quy định về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim; về điện ảnh phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cho ý kiến một số nội dung khác như giải thích từ ngữ, phân loại phim, giấy phép phân loại phim, các vấn đề về kĩ thuật lập pháp…

Sau phiên họp này, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Nguồn: quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN