Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại tổ

26/05/2023 - 10:56

BDK.VN - Ngày 25-5-2023, ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về 8 nội dung quan trọng, trong đó có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại buổi thảo luận t.

Tổ thảo luận số 9, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre có 2 đại biểu tham gia phát biểu gồm: Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Nguyễn Trúc Sơn và ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: Năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong vòng 10 năm qua (8,02%), đây là kết quả từ nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành cùng với sự hỗ trợ của Quốc hội về mặt thể chế. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế bắt đầu suy giảm và kéo dài sang năm 2023 đến nay. GDP quý I-2023 của các tỉnh, thành phố theo công bố có một số tỉnh tăng trưởng âm, một số vùng kinh tế trọng điểm, đầu tàu kinh tế tăng trưởng đạt rất thấp. Có nhiều khó khăn, vướng mắc đang ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân cũng như công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đã phản ánh nhiều vấn đề bức xúc như: Chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế không đảm bảo do thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; công tác đăng kiểm bị quá tải, người dân mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi vẫn không thực hiện được, ảnh hưởng đến việc đi lại, công việc, thu nhập; thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện chưa đồng bộ, đã có căn cước công dân, mã số định danh và bỏ sổ hộ khẩu nhưng khi thực hiện thủ tục hành chính trong một số giao dịch dân sự người dân vẫn bị yêu cầu nhiều loại giấy tờ; người lao động mất việc phải rút bảo hiểm xã hội một lần…

Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu hoan nghênh Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có chương trình này để hổ trợ cho các địa phương thực hiện các công trình trọng điểm, công trình liên kết vùng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng thủ tục hành chính trong giao vốn, phân bổ vốn giữa Trung ương và địa phương vẫn còn tình trạng “đưa lên đưa xuống, trả đi trả lại” giữa các bộ, ngành và địa phương, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các công trình, dự án. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho phép nguồn vốn từ Chương trình này hòa vào vốn Chương trình đầu tư công trung hạn đến năm 2025 để các tỉnh có đủ thời gian thực hiện, nếu kết thúc vào cuối năm 2023 thì không thể nào giải ngân kịp.

          Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch: Theo báo cáo của Chính phủ cả nước có 111 quy hoạch, đã thẩm định 62 quy hoạch và phê duyệt 18 quy hoạch. Việc chậm phê duyệt quy hoạch đã ảnh hưởng đến tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vì không có quy hoạch thì không có cơ sở triển khai các chương trình, dự án, phần nào dẫn đến tâm lý làm việc “cầm chừng” của một bộ phận cán bộ, công chức ở địa phương. Việc thực hiện quy trình, thủ tục nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, đến nay nhiều địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch tỉnh. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh được nhanh chóng, thuận lợi, tạo cơ sở pháp lý để địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

          Về lĩnh vực tài chính, tín dụng, đại biểu cho rằng khác với tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn trong năm 2022, năm 2023 vốn không thiếu nhưng doanh nghiệp không vay do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và lãi suất cho vay vẫn còn cao mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều hành, có các chỉ đạo hạ lãi suất và lãi suất đã giảm so với cuối năm 2022. Cần đánh giá vì sao lãi suất người dân gửi tiết kiệm thì giảm mà lãi suất cho vay thì vẫn còn khá cao. Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cắt giảm bớt các chi phí quản lý, điều hành để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn nhiều hơn do vừa vay bằng đồng Việt Nam vừa vay ngoại tệ. Đại biểu cho rằng cần xem xét lại việc người dân gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ thì lãi suất 0% mà doanh nghiệp vay ngoại tệ thì lãi suất cao. Đại biểu kiến nghị cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản được hưởng ngay chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ gói 40.000 tỷ đồng quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ để họ thu mua nông sản cho nông dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu có phản ánh việc hoàn thuế VAT đầu vào bị chậm, doanh nghiệp phải chờ nhiều tháng chưa nhận được khoản tiền hoàn thuế này. Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thuế xem xét thực hiện sớm việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp để họ có vốn tái hoạt động.

Về các dự án năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn do chưa được hòa lưới điện quốc gia, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, hòa lưới điện quốc gia, nhất là trong điều kiện nước ta đang thiếu điện.

Về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đại biểu thống nhất cao với nội dung này vì Ngân hàng Nông nghiệp là “người bạn đồng hành” của nông dân, việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng sẽ giúp cho người nông dân có cơ hội vay vốn thuận lợi hơn, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” hiện nay.

Cùng quan tâm thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng: Trước tình hình khó khăn như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm theo nghị quyết đã đề ra là một thách thức lớn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, quyết tâm và giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Trong khi đó, nền kinh tế đã và đang tồn tại nhiều vấn đề lớn qua nhiều năm chưa giải quyết được. Các chỉ tiêu quan trọng thể hiện chất lượng tăng trưởng như năng suất lao động, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, giải ngân đầu tư công…nhiều năm không đạt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ chuyển nguồn ngày càng lớn, chứng tỏ nền kinh tế không hấp thu được dòng vốn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung nghiên cứu đề ra các giải pháp đồng bộ, khả thi và có lộ trình cụ thể, phân kỳ thực hiện để khắc phục các tồn tại này nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu thảo luận tại t.

Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng một số bộ, ngành Trung ương, một số địa phương xin trả lại vốn đầu tư công phân bổ cho các chương trình, dự án do ngành hoặc địa phương thực hiện. Qua đại dịch Covid-19, nhiều cán bộ, công chức chùn tay không dám làm gì vì sợ sai, sẽ bị xử lý. Đại biểu cho rằng tâm lý sợ sai, “bất hành động”, chỉ muốn được an yên là một thực tế trong đội ngũ cán bộ, công chức ở cả Trung ương và địa phương hiện nay, đây là sự lãng phí lớn về nhân lực và là một vấn đề về thực thi công vụ rất đáng quan ngại. Đại biểu cho rằng việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ phải xử lý nhiều tình huống cấp bách, pháp luật chưa có quy định nên không tránh khỏi sai sót. Theo đại biểu, đây là vấn đề cần nhận diện thẳng thắn, khách quan, những trường hợp nào tham nhũng, tư túi thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, còn những trường hợp làm vì trách nhiệm, có sai phạm nhưng không vụ lợi thì cần được xem xét hợp tình hợp lý để tránh gây ra tâm lý hoang mang cho những người đang thực thi công vụ.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN