
Đại biểu Võ Văn Hội - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Tham gia thảo luận ở tổ, Đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre gồm có các đại biểu: Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của QH; Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre.
Về dự án Luật Phòng thủ dân sự: Tham gia thảo luận, các đại biểu QH trong đoàn nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng thủ dân sự để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rộng, cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự với phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành, để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng. Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung như: các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự...
Đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cho rằng việc giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 2 dự thảo luật quy định phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh… Nếu giải thích như thế chưa thật sự đầy đủ, đề nghị ngoài ứng phó với các sự cố thảm họa về thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung thêm nội dung “khắc phục, ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống” như chiến tranh mạng, ô nhiễm môi trường nguy cơ diễn ra rất nhiều.
Về xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự (Điều 12), để rõ hơn, đại biểu đề nghị cần phân loại công trình phòng thủ dân sự thành các loại như: công trình chuyên dụng, công trình lớn, công trình lưỡng dụng, công trình đầu tư, những công trình dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, đề nghị phải thống nhất quy định xây dựng các công trình, các dự án đầu tư phải có công trình ngầm và khi xây dựng một số công trình trường học cần có kèm theo một số công tình như hầm, hào trú ẩn như thế nào, vị trí ở đâu, quy định số lượng khoảng bao nhiêu phòng thì có phòng kiên cố. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định người dân xây dựng nhà ở kiên cố từ 3 tầng trở lên bắt buộc phải có thêm một công trình kết hợp, một công trình ứng dụng trong nhà.
Việc đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự (Điều 16) đề nghị quy định giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan thống nhất nội dung, thời gian về đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến nội dung phòng thủ dân sự như chúng ta phổ biến kiến thức phòng an ninh. Hiện nay, dự thảo luật giao chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định nội dung, thời gian đào tạo, huấn luyện phòng thủ dân sự cho lực lượng kiêm nhiệm tại địa phương sẽ rất khó đại biểu đề nghị nghiên cứu lại quy định này cho phù hợp hơn.
Tại Khoản 6, Điều 30 đại biểu đề nghị quy định lực lượng vũ trang tổ chức áp dụng các biện pháp khắc phục, vô hiệu hóa vũ khí hủy diệt lớn của địch, quy định như vậy sẽ bao quát hơn vì lực lượng vũ trang gồm có lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ. Điều 38 về lực lượng phòng thủ dân sự nồng cốt đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm lực lượng tại chỗ của các ngành, các cấp…

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của QH tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật HTX (sửa đổi).
Về dự án Luật HTX (sửa đổi): Các đại biểu cơ bản tán thành với việc đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX hiện hành. Tham gia góp ý cụ thể vào các điều khoản, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên vì tên gọi HTX (sửa đổi) có tính quốc tế phù hợp và nó tương thích với quốc tế; cần phải quy định rõ hơn về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; làm rõ vai trò, chức năng của quỹ, nguồn hình thành quỹ, cơ chế vận hành, tính công khai, minh bạch của quỹ; bảo hiểm rủi ro do thảm họa và sự cố; chính sách về thuế.
Về mô hình quản trị dự thảo luật có quy định Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ, trách nhiệm quản lý (Điều 109), đại biểu đề nghị đối với địa phương nên quy định cụ thể sở kế hoạch và đầu tư là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác tại địa phương, như vậy sẽ phù hợp…
Tin, ảnh: Hồng Yến