Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh góp ý Luật trồng trọt và Luật Cảnh sát biển Việt Nam

09/06/2018 - 07:57

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Trồng trọt.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Trồng trọt.

Chiều ngày 8-6-2018, Quốc hội thảo Luận tại hội trường về dự án Luật Trồng trọt.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã góp ý vào dự thảo Luật. Về chính sách của nhà nước về trồng trọt, đại biểu Thủy đề nghị cần nghiên cứu phân chia chính sách theo 3 nhóm, gồm: Chính sách phát triển ngành trồng trọt theo lĩnh vực, chính sách phát triển ngành trồng trọt theo vùng, miền và chính sách phát triển ngành trồng trọt theo đối tượng cây trồng.

Về những hành vi cấm, đại biểu Thủy cho rằng hầu hết các điều cấm nhằm vào đối tượng sản xuất kinh doanh, còn đối tượng khác trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thì chưa được điều chỉnh, định hướng hành vi của những đối tượng này vì nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

Về nguyên tắc và hình thức công nhận phân bón lưu hành, đại biểu Thủy tán thành với việc cần phải quản lý điều kiện, quy trình kỹ thuật sản xuất, kinh doanh phân bón; các doanh nghiệp phải đăng ký công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường.

Đồng thời, theo đại biểu Thủy thì quản lý phân bón trong luật này nên tập trung vào quản lý nguyên liệu làm phân bón, chất lượng phân bón, phân bón nhập khẩu và cách thức sử dụng các loại phân bón, còn việc xuất khẩu phân bón đã có các rào cản kỹ thuật trong thương mại của nước nhập khẩu, việc ghi nhãn hàng hóa hay quảng cáo đã có các luật liên quan điều chỉnh, chỉ bổ sung những vấn đề nào các luật khác chưa quy định.

* Sáng cùng ngày, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Đại biểu Nhưỡng cho rằng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam chưa có quy định về chính sách bảo đảm cho việc huy động người và phương tiện tham gia cùng thực thi nhiệm vụ của cảnh sát biển. Khoản 4, Điều 6 dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp cộng tác hỗ trợ giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam, thực hiện việc huy động của Cảnh sát biển Việt Nam có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường, bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục. Người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật. Với quy định này thì chưa có chính sách quy định rõ ràng về bảo đảm huy động người và phương tiện tham gia, như trường hợp ngư dân bỏ ra nhiều ngày để hỗ trợ cho Cảnh sát biển, thì công sức, chi phí bỏ ra cũng cần phải được xem xét. Người dân sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc và phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, về mặt chính sách chúng ta phải có sự tuyên bố rõ ràng để làm cơ sở vừa huy động, đồng thời cũng giải quyết vấn đề tranh chấp sau này.

Đại biểu Nhưỡng cũng lưu ý cần phải quy định có sự phân vùng quản lý. Đảng, Nhà nước ta đã có chính sách rất rõ là một việc chỉ giao cho một tổ chức, một lực lượng, một cơ quan chủ trì. Về vấn đề này cần phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ lộ trình, rõ kết quả. Đại biểu Nhưỡng đề nghị, nếu chúng ta đánh giá Cảnh sát biển Việt nam được coi là một lực lượng chính quy, hiện đại trên biển, thì nên giao trách nhiệm chủ trì từ vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải trở ra vùng biển quốc tế sẽ thuận lợi hơn. Còn rất nhiều lực lượng khác như kiểm ngư, thanh tra, hải quan, các lực lượng dân quân tự vệ, công an có thể tham gian ở vùng bờ và đới bờ.

 Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN