Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre góp ý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

01/06/2018 - 14:10

Đại biểu Đặng Thuần Phong góp ý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Văn Tân

Đại biểu Đặng Thuần Phong góp ý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Văn Tân

Chiều 31-5-2018, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận, góp ý tập trung vào các nội dung sau:

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Đặng Thuần Phong tán thành với quy định của dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước; điều chỉnh cả khu vực tư với các tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng. Điều này thể hiện quyết tâm nội lực hóa các cam kết quốc tế, quyết tâm chính trị trong phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Phong đề nghị, cân nhắc xem xét bổ sung thêm điều chỉnh đối với các tổ chức tôn giáo, các cơ sở thờ tự, các đơn vị tổ chức các sự kiện, tổ chức các lễ hội có các hoạt động xã hội hóa.Vì thời gian qua, việc quản lý các khoản đóng góp của người dân, các tổ chức, quản lý các thùng công đức… chưa được chặt chẽ, tham nhũng trong lĩnh vực này thực tế đã xảy ra. Đại biểu Phong cho rằng, cần làm rõ phòng chống tham nhũng đối với lĩnh vực công và tư khác nhau như thế nào, vì hai lĩnh vực công và tư hoàn toàn khác nhau.

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý, đại biểu Phong cho rằng, việc quy định xử lý loại tài sản này theo phương án cho nộp thuế thu nhập cá nhân, hoặc xử phạt hành chính với mức bằng 45% giá trị tài sản là chưa thật sự phù hợp. Bởi, nếu đã xác định tài sản bất minh thì phải tịch thu, nếu cho đóng thuế hoặc xử phạt hành chính với mức 45% giá trị tài sản thì vô hình chúng ta đã hợp thức hóa tài sản bất minh. Còn nếu không xác định được tài sản này là tài sản bất minh thì không có cơ sở để xử lý.

Liên quan đến nội dung xác minh tài sản bất hợp pháp hay không, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Điều 32 Hiến pháp quy định tất cả tài sản thu nhập hợp pháp của công dân đều được pháp luật bảo hộ. Các tài sản chưa có căn cứ là bất hợp pháp thì đương nhiên là hợp pháp, phải được bảo hộ.

Các cơ quan chức năng có trách nhiệm xác minh làm rõ và chứng minh được tài sản bất hợp pháp, nếu không chứng minh được thì đương nhiên tài sản đó là hợp pháp.

Về xác minh kê khai tài sản thu nhập, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tất cả mọi trường hợp kê khai tài sản đều phải xác minh, không thể hằng năm lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh, đã kê khai thì phải xác minh.

Đại biểu cũng đề nghị, phương pháp xác minh không mất nhiều thời gian cũng như không phát sinh nhiều cán bộ cho công tác xác minh đó là cơ quan quản lý kê khai làm văn bản gửi đến chính quyền và mặt trận nơi cư trú của người kê khai và nơi có tài sản của người kê khai để xác định việc kê khai tài sản có trung thực hay không. Trong trường hợp có kê khai không trung thực hoặc có tố cáo việc kê khai không trung thực thì cơ quan quản lý trực tiếp tiến hành xác minh sẽ phù hợp và khả thi hơn.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN