Đại biểu thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

30/11/2022 - 18:08

BDK.VN - Sau phiên khai mạc, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã tiến hành chia tổ thảo luận. Với 2 nhóm vấn đề được Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ gợi ý, đại biểu tập trung làm rõ nhiều vấn đề trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng giải pháp thực hiện Nghị quyết (NQ) Tỉnh ủy và thống nhất chọn chủ đề năm 2023.

Chủ trì Tổ thảo luận số 2, gợi ý để đại biểu thảo luận. Ảnh: P. Tuyết

Chủ trì Tổ thảo luận số 2, gợi ý để đại biểu thảo luận. Ảnh: P. Tuyết

Giải pháp trong công tác xây dựng Đảng

Tổ thảo luận số 1 do Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ làm tổ trưởng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn làm tổ phó.

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung đề xuất, trong năm 2023 cần làm tốt công tác tư tưởng, truyền cảm hứng, thay đổi tư duy một cách thường xuyên, đồng bộ, tạo môi trường, không gian làm việc cởi mở và có động lực để đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc. Đối với đảng viên cơ sở nên chỉ đường, chỉ hướng, phương pháp để các đồng chí thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê quan tâm đến vấn đề đảng viên vi phạm, cần đánh giá đúng thực chất, đâu là nguyên nhân thật cụ thể. Cần có cách nhìn nhận khách quan hơn. Nếu đảng viên vi phạm nhiều năm nhưng giờ phát hiện mới kiểm điểm, vậy chưa khách quan lắm. Thời gian qua, việc triển khai NQ rất quyết liệt nhưng tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn còn, trên dưới triển khai chưa thống nhất, chưa rạch ròi, công tác phối hợp chưa chặt, cần có cơ chế phù hợp. Nhất là việc triển khai các công trình, dự án chưa đồng nhất trong công tác triển khai phối hợp nhịp nhành, hiệu quả. Cần phát huy hơn nữa tư lệnh ngành, địa phương trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ hơn vai trò người đứng đầu.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ chia sẻ: Trong năm 2023 và những năm tới,chúng ta sẽ tiếp tục chú trọng trước hết là công tác xây dựng Đảng. Trong xây dựng Đảng phải làm từ cấp tỉnh đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, thậm chí phát triển đảng viên phải thực chất. Phải đặt ra mục tiêu phát triển phù hợp với thực tế của tỉnh, bảo đảm được chất lượng, trong đó phù hợp với việc củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng. Cố gắng phát triển đảng viên mới đạt chỉ tiêu năm 2022, là 1.100/900 đảng viên. Như vậy có thể đạt vượt chỉ tiêu kết nạp đảng. Chú ý kết nạp đảng viên phải thật sự đảm bảo chất lượng. Do vậy, cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, làm lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Hữu Hiệp

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Hữu Hiệp

Kiểm soát được chỉ tiêu, đặt ra cho cả nhiệm kỳ kéo giảm tỷ lệ 10% đảng viên vi phạm. Làm sao đổi mới tác phong, lề lối làm việc. Tuân thủ nghiêm ngặt việc giảm biên chế theo đúng quy định, các cơ quan đảng, hệ thống chính trị - xã hội, Ban Thường vụ cũng đã có chủ trương cụ thể, còn Khối Nhà nước tới đây cũng sẽ tổ chức triển khai. Việc này là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, không thể làm khác được mặc dù có thể có kiến nghị. Do vậy, các cơ quan chuyên môn phải tiến hành rà soát lại cho đúng quy trình thủ tục tinh giảm biên chế, làm sao cho đúng và phù hợp. Chú ý đến năng lực, công suất làm việc của từng bộ phận, từng người cụ thể, trong khi công việc ngày càng nhiều, biên chế ít lại, phải đổi mới cách làm phù hợp, hiệu quả hơn.

Tổ thảo luận số 2, do Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến làm tổ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng làm tổ phó. Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu thống nhất với nhận định đánh giá về tình hình thực hiện NQ năm 2022 của Tỉnh ủy.

Trong công tác xây dựng Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm cho rằng: Trong năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm chính trị cao của Tỉnh ủy và các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NQ Tỉnh ủy năm 2022 đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, trên lĩnh vực xây dựng Đảng có các chỉ tiêu gồm: kết nạp đảng viên; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện (TSVMTD); chỉ tiêu kéo giảm tỷ lệ đảng viên vi phạm. Trong đó có 2 chỉ tiêu vượt NQ đề ra là kết nạp đảng viên và xây dựng chi bộ TSVMTD. Tính đến ngày 23-11-2022, tỉnh đã kết nạp 1.101/900 đảng viên (đạt 122,33% so với NQ), lũy kế nhiệm kỳ 2.777 đảng viên. Tất cả 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đều đạt và vượt chỉ tiêu về kết nạp đảng viên trong năm 2022.

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm phát biểu tại tổ. Ảnh: P. Tuyết

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm phát biểu tại tổ. Ảnh: P. Tuyết

Về chỉ tiêu xây dựng chi bộ TSVMTD có 157/95 chi bộ đạt, lũy kế đến nay đạt 262/966 chi bộ ấp, khu phố trong toàn tỉnh. Chỉ tiêu tỷ lệ đảng viên vi phạm tăng, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm cho rằng: Trong năm 2022, tỉnh thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật chính. Vì vậy, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm dẫn đến tình trạng đảng viên vi phạm dẫn đến mức phải xử lý kỷ luật tăng. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung quyết liệt trong thực hiện NQ số 03-NQ/TW của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ gắn với Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong lĩnh vực xây dựng Đảng.

Mặc dù kết quả đạt được khả quan nhưng theo Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm, trong công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là trong công tác kết nạp đảng viên vượt nhưng đến nay vẫn còn 10 chi bộ, đảng bộ có đăng ký số lượng kết nạp đảng viên nhưng chưa kết nạp được đảng viên nào. Còn 18 xã chưa xây dựng được chi bộ TSVMTD. Trong đó, có 5 xã đã được công nhận đạt xã nông thôn mới nhưng vẫn chưa có ấp nào đạt. Với nội dung này đề nghị các huyện ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Đối với chỉ tiêu phát kết nạp đảng viên mới, Ban tổ chức các đảng ủy trực thuộc tham mưu cho cấp ủy khảo sát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trừ những trường hợp tiêu chuẩn chính trị không đạt, còn lại tỉnh sẽ quyết liệt tập trung tạo nguồn phát triển đảng cho nhóm đối tượng này.

Về công tác xây dựng Đảng, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung đề xuất có chỉ đạo quyết liệt công tác phát triển đảng viên, cần coi trọng phát triển lực lượng đảng viên ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Quan tâm thêm chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở.

Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm đề xuất, tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ cương trong Đảng. Công tác phổ biến chủ đề chưa đi vào chiều sâu.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức ý kiến về tinh giảm biên chế đến năm 2026: Bất cập là trước đây Trung ương giao biên chế giữa các tỉnh không đồng đều, giờ giảm đều giữa các tỉnh là chưa công bằng và hợp lý. Đề xuất tỉnh kiến nghị Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành có thông tư hướng dẫn các cơ quan ngành dọc địa phương về số lượng phòng ban trực thuộc, biên chế từng phòng ban căn cứ vị trí việc làm. Trên cơ sở đó rà soát lại biên chế của từng tỉnh, tỉnh nào còn thiếu trung ương sẽ điều tiết, sau đó mới giảm theo lộ trình.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức phát biểu. Ảnh: Cẩm Trúc
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức phát biểu. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng: Về tăng giảm biên chế, chủ trương không cào bằng. Tùy theo tình hình đặc thù từng đơn vị mà tăng giảm phù hợp. Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương này.

Tập trung đồng bộ nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ: Cần chú ý đến việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, trong đó quan tâm đến các mô hình kinh tế cụ thể, nhất là cách làm để nhân rộng. Thực tế đã có các NQ, chương trình cụ thể, cần thêm tính chủ động, sáng tạo. Cho nên vai trò lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, các cấp ủy địa phương là rất quan trọng. Nhất là kinh tế tập thể, các hợp tác xã, hình thành vùng sản xuất tập trung. Tỉnh có tiềm năng phát triển cây giống, hoa kiểng, cây cảnh, cây ăn trái nhưng cần có năng suất, sản lượng cao, thích ứng với thời tiết.

Trong đó, mô hình cây giống hoa kiểng Chợ Lách, phát huy vai trò của người dân về vốn, tay nghề. Tập trung triển khai đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đầu tư công, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chú trọng chương trình phục hồi kinh tế, tranh thủ các điều kiện để giải ngân vốn kịp thời, hiệu quả. Các công trình dự án trọng điểm, các dự án đô thị phê duyệt rất nhiều nhưng tiến độ chậm. Với tình hình hiện nay thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán đang bị chùng xuống, khó khăn, nếu không nỗ lực quyết tâm cao, thì các dự án này sẽ khó thực hiện. Các dự án có chủ trương rồi thì cố gắng chọn ra những dự án trọng tâm, trọng điểm, chọn nhà đầu tư có năng lực tốt. Các cấp ngành, địa phương phải hết sức chú trọng, tập trung tổ chức triển khai nhanh, không để kéo dài.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thông báo kết quả tăng trưởng kinh tế Bến Tre năm 2022. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thông báo kết quả tăng trưởng kinh tế Bến Tre năm 2022. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ trì thảo luận Tổ 3, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Cục Thống kê vừa thông báo chính thức, kết quả tăng trưởng kinh tế Bến Tre năm 2022 là 7,33%, xếp thứ 9 đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng: Việc tăng nguồn thu theo đề xuất của đại biểu là phù hợp và cần thu đúng, thu đủ. UBND tỉnh sẽ có cuộc họp chuyên đề về tăng nguồn thu ngân sách. Trong đó cần khai thác nguồn thu từ các dự án điện gió. Triển vọng năm 2023, khi Chính phủ cho cơ chế thì Bến Tre sẽ tăng nguồn thu.

Một trong những nguyên nhân tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới thấp nhất cả nước là do tiêu chí địa phương đề ra quá cao so với tiêu chí cả nước. Trong khi điều kiện xây dựng hạ tầng của địa phương khó hơn các tỉnh. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cũng đã họp tìm nguyên nhân và có điều chỉnh tiêu chí năm 2023 phù hợp. UBND tỉnh sẽ điều hành phân bổ kinh phí hết sức linh hoạt cho 15 xã đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2023.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận đề xuất: Tỉnh cần tập trung huy động các nguồn vốn, tạo điều kiện để các dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: các dự án điện gió, dự án đô thị; các dự án mà nhà đầu tư đã ký kết với tỉnh. Tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành giải phóng mặt bằng đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, sớm tạo ra giá trị sản xuất mới. Tiếp tục phát triển các dự án nuôi tôm công nghệ cao. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai nhằm đảm bảo thành quả, tránh làm mất đi giá trị sản xuất nông nghiệp. Tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, kể cả những dự án đầu tư công và đâu tư ngoài ngân sách.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận phát biểu tại tổ. Ảnh: P. Tuyết

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận phát biểu tại tổ. Ảnh: P. Tuyết

Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Thảo đề xuất: Tỉnh ủy cần quan tâm lãnh, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung kêu gọi và hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng nuôi thuỷ sản ở vùng ven biển. Vận động nông dân trong việc hợp tác với doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi tôm biển công nghệ cao gắn với chế biến xuất khẩu và tạo sự đột phá phát triển mới trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Đối với những dự án sẽ triển khai thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo tỉnh cần quan tâm ưu tiên các dự án xử lý rác thải. Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế công lập trong việc thanh toán khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế. Quan tâm việc bố trí khu tái định cư và tạo việc làm cho người dân trong các vùng dự án.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Trong định hướng phát triển thời gian tới, muốn chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế cần giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp nhằm kéo theo sự phát triển của thương mại - dịch vụ. Trong năm 2023, nâng chỉ tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội. Bởi huy động vốn đầu tư tốt sẽ tạo động lực cho phát triển góp phần đầu tư hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất. Tiếp tục tập trung và triển khai cụ thể hơn về công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền tạo sự vào cuộc tham gia phát triển sản xuất và sự hưởng ứng trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của người dân. Trong tuyên truyền chú trọng tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền gián tiếp. Trong quy hoạch cần có định hướng, tính toán từ xa, công khai thông tin dự án ngay từ ban đầu nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Quan tâm chỉ đạo giải quyết các thủ tục về đất đai. Ưu tiên thực hiện các công trình trọng điểm nhất là phát triển các khu, cụm công nghiệp. Tập trung đầu tư tuyến đường động lực ven biển nhằm mở ra không gian phát triển cho tỉnh Bến Tre nói chung, 3 huyện biển nói riêng.

Về triển khai các công trình trọng điểm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề xuất tiếp tục triển khai các công trình đã khởi công trước đó, đặc biệt năm 2023 phải khởi công cho bằng được tuyến động lực ven biển (phần cầu Ba Lai và 23,5km đường vào cầu từ vốn ngân sách Trung ương đã bố trí 1.500 tỷ đồng).

Theo Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung: Bối cảnh triển khai NQ năm 2022 khá thuận lợi hơn năm 2021, nhưng giá đầu vào nông nghiệp, giá xăng tăng cao trong khi giá nông sản thấp, có thời điểm giá dừa dưới 20 ngàn đồng/chục nên thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Nhìn chung kết quả 2022 và mục tiêu đề ra năm 2023 sẽ tạo đà cho những năm sau, bắt nhịp phát triển cho cả nhiệm kỳ.

Năm 2023, đề nghị giữ nguyên chủ đề năm. Nhưng cần đưa ra giải pháp nào để đạt bình quân 87 triệu đồng/người/năm trong nhiệm kỳ. Quyết liệt hơn giải quyết việc làm. Chỉ tiêu đưa người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng khó đạt ở cuối nhiệm kỳ. Kiểm soát tốt phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ tốt chuỗi dừa, bưởi. Quan tâm công tác phòng chống hạn mặn. Tình hình năm nay mưa kết thúc sớm, gió chướng tăng.

Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Cẩm Trúc

Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm: Thống nhất giải pháp năm 2023 theo dự thảo, đề xuất thêm cần đề cao tinh thần trách nhiệm đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra giám sát, có tổ hỗ trợ giúp sức địa phương để hoàn thành chỉ tiêu. Quan tâm thực hiện tốt giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt cho huyện Chợ Lách nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất cây giống hoa kiểng và vùng cây ăn trái.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng:  Cần quan tâm gắn với tình hình lao động của công nhân trong các doanh nghiệp vì thực tế đã bị cắt giảm lớn. Có 4 doanh nghiệp trong tỉnh đã cắt giảm, chủ yếu doanh nghiệp ở nước ngoài. Cần có sự phối hợp các ngành có giải pháp ngăn chặn từ sớm. Giải pháp của Sở là phối hợp các ngành nhưng nhìn chung tư tưởng công nhân cơ bản ổn định, đặc biệt là buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các chế độ quy định.

Giảm nghèo còn 4,26% năm 2021. Như vậy cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm 1%, vì tỷ lệ hộ không có khả năng thoát nghèo chiếm 1,5%/4,26% tổng hộ nghèo toàn tỉnh (hiện còn 5.171 hộ, năm 2022 không giảm được hộ nghèo). Đề nghị các cấp uỷ quan tâm rà soát xác nhận hộ nào thoát nghèo thực chất.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng

Đại tá Lê Văn Hoà - Phó giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Trong năm 2022, tình hình trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật khác và tai ạn, tệ nạn xã hội được kiềm chế, kéo giảm. Tuy nhiên, còn một số tình hình nổi lên. Cụ thể là tình hình an ninh chính trị, các đối tượng, các tổ chức khủng bổ phản động bên ngoài tiếp tục liên kết phát triển lực lượng, tổ chức hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước tại địa phương. Hoạt động lừa đảo diễn ra phức tạp trên không gian mạng, nhất là tệ nạn cờ bạc, với loại hoạt động này, khó kiểm soát, điều tra, xử lý. Tình hình khiếu kiện có giảm nhưng mức độ, tính chất còn gây gắt. Trong khiếu kiện, ngoài những vụ đã xử lý trước đây, lại xuất hiện việc khiếu kiện về các công trình, dự án. Tình hình cán bộ, công chức trên lĩnh vực y tế xin nghỉ việc nhiều sau đại dịch Covid-19…

Trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá án thực hiện đạt chỉ tiêu nhưng theo đánh giá, sau đại dịch tình hình tội phạm, nhất là tội phạm lưu động, có tổ chức có chiều hướng gia tăng. Tình hình tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, tội phạm giết người tăng, tội phạm trộm cắp ở nông thôn, tội phạm ma túy vẫn còn diễn ra. Tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn cờ bạc diễn ra với mọi hình thức gây bức xúc trong người dân. Tai nạn giao thông chưa được kéo giảm.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phát biểu tại Tổ. Ảnh: P. Tuyết

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường phát biểu tại Tổ. Ảnh: P. Tuyết

Đề xuất, giải pháp cho thời gian tới, Đại tá Lê Văn Hòa cho rằng: Bên cạnh nhiệm vụ,  giải pháp của cơ quan chức năng chuyên môn, các ngành, địa phương cần quan tâm tăng cường giáo dục truyền thống nhằm giúp giới trẻ có nhận thức đúng đắn trong giải quyết mâu thuẫn, nhất là những mâu thuẫn cá nhân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả NQ số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bí thư Huyện ủy Bình Đại Nguyễn Văn Dũng đề nghị ngành chức năng tập trung nhiều giải pháp, trong đó tập trung trấn áp những băng nhóm gắn với tấn công trấn áp tội phạm chuyên đề dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, có như vậy mới đảm bảo được phát triển sản xuất cũng như sự bình yên cho người dân.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường đề nghị cơ quan chức năng chuyên môn tăng cường hỗ trợ các địa phương trong tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

Năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt NQ đề ra. Kết quả tăng trưởng kinh tế Bến Tre năm 2022 là 7,33%, xếp thứ 9 đồng bằng sông Cửu Long; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết quả thực hiện Nghị quyết năm 2022, có 18/25 chỉ tiêu ước đạt và vượt; 5/25 chỉ tiêu xấp xỉ đạt; 1/25 chỉ tiêu đạt trên 70%; 1 chỉ tiêu không đạt.

         

P. Tuyết - Cẩm Trúc - Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN