Đại biểu Trần Thị Thanh Lam tranh luận nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
12/11/2024 - 16:33
BDK.VN - Sáng 12-11-2024, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế và tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam tranh luận nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Tham gia tranh luận đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùngvề tình trạng tin xấu, tin độc hại, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả trên không gian mạng, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre cho rằng: “Cử tri, nhân dân lắng nghe và rất quan tâm đến nội dung trả lời của Bộ trưởng về các giải pháp khắc phục tình trạng tin xấu, tin độc, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả trên không gian mạng vì các sản phẩm quảng cáo này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Cử tri mong muốn Bộ trưởng thông tin rõ hơn để cử tri được biết đâu là giải pháp cốt yếu giải quyết dứt điểm tình trạng trên và đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã làm hết trách nhiệm của mình và quản lý nhà nước về công tác này chưa”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Trần Thị Thanh Lam như sau:
Thứ nhất, hết trách nhiệm chưa thì Bộ trưởng không dám khẳng định, nhưng trách nhiệm của Bộ cũng đã làm hết sức, từng ngày, từng giờ và thời gian qua cũng có rất nhiều tiến triển.
Cụ thể, trước đây chúng ta có đưa thông tin sai sự thật, quảng cáo sai, đưa cho các mạng xã hội thì các mạng xã hội cũng không gỡ, 10 việc thì mạng xã hội thực hiện 1 đến 2 việc, đạt tỷ lệ từ 10 - 20% nhưng hiện nay thực hiện rất nghiêm trên 95%, vì đã là quy định của nhà nước thì các nền tảng mạng xã hội trong nước hay xuyên biên giới cũng phải thực hiện.
Bộ trưởng cho rằng, trước kia nhà nước yêu cầu thì các mạng xã hội mới gỡ, còn bây giờ Nhà nước yêu cầu trên mạng xã hội phải phát triển các công cụ số, phải tự rà quét, phải tự hạ xuống, đưa các quy định gần vào pháp luật và các nhà mạng phải thực hiện.
Trước đây các nhà mạng chỉ gỡ nội dung sai phạm, còn người và tài khoản thực hiện có khi họ vẫn để, nhưng hiện nay nếu tái phạm nhiều lần sẽ hạ tài khoản đó xuống, ngăn chặn cả tài khoản luôn và trang thông tin lại lặp lại nhiều lần quảng cáo sẽ cắt cả trang.
Thứ hai, về việc sửa đổi Luật Quảng cáo, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trình Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến chuyện quảng cáo trên không gian mạng, có rất nhiều quy định, trong cuộc sống luôn luôn thay đổi, liên tục nên quản lý phải theo sự phát triển.
Đến thời điểm hiện nay không thể nói 5 năm nữa, 3 năm nữa, 2 năm nữa xảy ra chuyện gì, công nghệ gì mới, xuất hiện những vấn đề gì mới thì dự báo tương đối khó nên chúng ta phải theo kịp sự phát triển, nếu diễn biến thì chúng ta lại điều chỉnh. Quan trọng nhất là chúng ta xác định được vấn đề sớm, nhận dạng được vấn đề sớm, có giải pháp sớm để điều chỉnh sớm và Bộ trưởng rất mong muốn nếu cứ 10 năm mới thay đổi luật một lần thì rất khó theo kịp.
Rất mong đại biểu Quốc hội và Quốc hội cân nhắc có thể sửa một điều, sửa một khoản nhanh hơn, có khi chỉ trong một kỳ Quốc hội, thậm chí là một cuộc họp Ủy ban Thường vụ thì sẽ theo kịp được sự phát triển.
* Buổi chiều cùng ngày, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre chất vấnBộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với nội dung như sau: “Theo báo cáo của Bộ Thông tin Truyền thông đã gửi đến Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, từ năm 2023 đến nay Bộ đã tập trung thanh tra, kiểm tra, xử phạt hoạt động quảng cáo vi phạm.
Kết quả Bộ đã xử phạt hành chính 23 cá nhân, tổ chức, với số tiền xử phạt là 258 triệu đồng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm như trên so với thực trạng hiện nay đã tương xứng và đáp ứng yêu cầu răn đe đối với các hành vi sai phạm chưa và giải pháp sắp tới của Bộ trưởng là gì để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông, đáp ứng với yêu cầu mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Đồng thời, đại biểu nhắc Bộ trưởng một nội dung mà trong phần tranh luận buổi sáng nay cùng ngày mà Bộ trưởng chưa trả lời “Cử tri đề nghị Bộ trưởng thông tin cho cử tri được biết đâu là giải pháp cốt yếu để giải quyết dứt điểm tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả, tin xấu, tin độc qua không gian mạng để cử tri và nhân dân yên tâm hơn trong cuộc sống”.
Trả lời nội dung chất vấn và nội dung tranh luận của đại biểu Trần Thị Thanh Lam,Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Vừa qua nhiều vi phạm về quảng cáo và chúng ta đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, số lượng của Bộ Thông tin và Truyền thông mỗi năm tăng 20%, 04 năm vừa qua tăng gần 100%, đại biểu hỏi kết quả thực hiện đã tương xứng chưa, xin trả lời là chưa, các nguồn lực của các cơ quan Nhà nước về thanh tra, kiểm tra hiện nay cũng có mức độ hạn chế.
Nhưng nếu tất cả các bộ ngành, tất cả các địa phương cùng tham gia thanh tra, kiểm tra về xử lý quảng cáo trong lĩnh vực của mình thì câu chuyện nhân sẽ lên rất nhiều lần và có thể tương xứng, giúp cho việc giảm đi các quảng cáo sai sự thật. Để khắc phục tình trạng này, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ tổ chức tập huấn cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra bộ, ngành, địa phương liên quan đến quảng cáo trên môi trường số.
Riêng về giải pháp chính để hạn chế quảng cáo sai sự thật , quảng cáo giả, tin xấu, độc, Bộ trưởng cho rằng, tất cả cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, các địa phương, ai quản lĩnh vực gì trong đời thực thì lên không gian mạng quản lý lĩnh vực đó, không còn cách nào khác nữa.
Bộ Y tế phải tham gia vào cuộc về quảng cáo sai sự thật về thuốc, thực phẩm chức năng, Bộ Công Thương phải vào cuộc để kiểm soát quảng cáo hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, mà không phải chỉ là bộ, ngành mà còn có các địa phương, không chỉ 2 ngành này mà còn nhiều ngành khác nữa...
Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả tích cực.
Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng, thông tin tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hoạt động quảng cáo xuyên biên giới được tăng cường giám sát, các quảng cáo vi phạm được yêu cầu chặn, gỡ kịp thời. Tăng cường quản lý chuyên ngành hoạt động quảng cáo, nhất là xử lý vi phạm liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Mạng di động đã phủ sóng 99,8% dân số, giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ mới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng còn có những tồn tại, hạn chế như: Còn tình trạng cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí hoạt động chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi.
Việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí còn một số vướng mắc. Mức độ chuyển đổi số báo chí chưa cao. Các quy định pháp luật về quảng cáo trên báo chí còn bất cập; việc kiểm soát nội dung, sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đại lý quảng cáo còn khó khăn.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng.
Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tôn chỉ nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo báo chí. Kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí.
Thứ hai, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.
Thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí. Tăng cường đấu tranh, đàm phán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới và các mạng lưới quảng cáo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng.
Thứ ba, tiếp tục kiên cố hoá hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã. Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn.
Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện. Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.