Đại học Oxford khẳng định vaccine AstraZeneca không liên quan với bệnh huyết khối

16/03/2021 - 06:44

Trưởng nhóm Vaccine Oxford thuộc Đại học Oxford, Andrew Pollard cho biết không có mối liên quan giữa vaccine ngừa COVID-19 do trường này và hãng dược AstraZeneca cùng phát triển, với bệnh huyết khối (cục máu đông).

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phát biểu trên đài BBC, ông Pollard nêu rõ: "Có bằng chứng rất đảm bảo rằng không có sự gia tăng hiện tượng huyết khối ở Anh, nơi hầu hết vaccine (AstraZeneca) được tiêm đến nay ở châu Âu". Ông khẳng định theo số liệu thu thập từ các nhà quản lý dược phẩm đến nay, không có dấu hiệu cho thấy vấn đề này. 

Trước đó, ngày 14-3, hãng dược AstraZeneca cũng khẳng định không phát hiện bằng chứng nào cho thấy vaccine của hãng làm tăng nguy cơ gây huyết khối, sau khi tiến hành đánh giá những người được tiêm vaccine của hãng. 

Tuyên bố của AstraZeneca nêu rõ: "Một cuộc đánh giá cẩn thận toàn bộ các dữ liệu an toàn sẵn có của hơn 17 triệu người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh cho thấy, không có bằng chứng về việc (vaccine) làm tăng nguy cơ tắc mạch phổi, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, lô vaccine hoặc ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào". Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và EMA cũng đều khẳng định không có lý do để ngừng sử dụng vaccine này. Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước ngừng tiêm vaccine AstraZeneca  do lo ngại nguy cơ gây bệnh huyết khối.  

Ngày 15-3, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết quỹ này đã đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 ở các nước châu Âu quan trọng, trong bối cảnh Cơ quan quản lý được phẩm châu Âu (EMA) đang thận trọng cân nhắc việc chính thức phê duyệt vaccine này. Trong một tuyên bố, ông Dmitriev nhấn mạnh RDIF "đã đạt được thỏa thuận với các công ty từ Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Đức để bắt đầu sản xuất Sputnik V".

Theo ông Dmitriev, các thỏa thuận này sẽ cho phép cung ứng vaccine Sputnik V cho thị trường châu Âu một khi EMA cấp phép sử dụng vaccine này. Nếu được phê duyệt sử dụng, Sputnik V sẽ là vaccine đầu tiên không phải của Liên minh châu Âu (EU) được cấp chứng nhận sử dụng trên toàn bộ 27 nước thành viên EU. EMA đầu tháng này đã tiến hành đánh giá vaccine Sputnik V, song 3 nước thành viên EU là Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã sớm cấp phép sử dụng loại vaccine này.
Theo RDIF, vaccine Sputnik V đã được sử dụng ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Nga, 3,5 triệu người đã được tiêm cả hai mũi vaccine này. Các kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn cho thấy vaccine này đạt hiệu quả phòng bệnh tới 91,4%. Kết quả thử nghiệm sau đó cũng đã được tạp chí khoa học The Lancet đăng tải, càng củng cố uy tín cho vaccine do Nga phát triển.

Cùng ngày, Thái Lan và Đức thông báo sẽ tiếp tục dùng vaccine AstraZeneca. Cụ thể, Thái Lan sẽ bắt đầu sử dụng vaccine AstraZeneca vào ngày 16-3 sau một thời gian ngắn ngưng sử dụng.  Theo người phát ngôn Văn phòng chính phủ Thái Lan, Natreeya Thaweewong, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và các thành viên nội các sẽ là những người đầu tiên được tiêm vào ngày 16-3.

Chương trình tiêm ngừa COVID-19 của Thái Lan phụ thuộc nhiều vào vaccine AstraZeneca. Nước này dự kiến bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca từ tháng 6-2021 để phân phối trong khu vực, với 61 triệu liều được dành cho nước này. 

Còn Bộ Y tế Đức thông báo nước này sẽ tiếp tục dùng vaccine AstraZeneca theo như chỉ đạo của EMA sau khi nghiên cứu thận trọng những báo cáo về những rủi ro có thể đối với sức khỏe và thường xuyên kiểm tra dữ liệu về vấn đề này.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN