Đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ môi trường

12/06/2024 - 05:18

BDK - Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các chính sách và các quy định được ban hành, triển khai đồng bộ, cơ bản đảm bảo sự thống nhất với hệ thống pháp luật về BVMT của Trung ương và hài hòa với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khảo sát ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: CTV

Một số kết quả đạt được

Công tác truyền thông về BVMT ngày càng được nâng cao, đa dạng bằng nhiều hình thức và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan báo, đài. BVMT trong xây dựng nông thôn mới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát từ lãnh đạo tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, đáng ghi nhận là cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất than thiêu kết và tại các bãi chôn lấp rác tập trung của các huyện, Nhà máy xử lý rác thải (XLRT) huyện Thạnh Phú, Nhà máy XLRT Bến Tre, khắc phục được sự cố ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri.

UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động BVMT, đặc biệt là công tác vận chuyển và XLRT sinh hoạt. Công tác thanh tra, kiểm tra BVMT của các cơ sở sản  xuất, kinh doanh, dịch vụ; triển khai các dự án, công trình BVMT trên địa bàn tỉnh như: khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường và mở rộng bãi rác An Hiệp, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí bằng hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục. Bố trí ngân sách thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, sản xuất than thiêu kết.

Nhìn chung, các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ, cơ bản kiểm soát được các vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh của cử tri và dư luận xã hội; phối hợp xác minh, đề xuất các biện pháp giải quyết các sự vụ, sự việc phản ánh qua đường dây nóng. Nhiều điểm nóng về môi trường trên địa bàn từng bước được giải quyết triệt để; thực hiện tốt công tác BVMT trong xây dựng nông thôn mới.

Hạn chế và giải pháp thời gian tới

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Về cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về BVMT đã được hình thành cơ bản, nhưng còn bất cập, nhiều quy định mang tính chung chung, tính nguyên tắc, thiếu đồng bộ, chồng chéo; một số quy định còn thiếu hoặc đã có quy định nhưng chưa đầy đủ về BVMT đất, nước, không khí, tái chế rác thải, XLRT có thu hồi năng lượng, đơn giá thu gom vận chuyển XLRT, cải tạo và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Về nhân lực, hiện nay, do tổng biên chế được phê duyệt của tỉnh thấp nên một số cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước BVMT chưa được bố trí chuyên trách, chưa có điều kiện nghiên cứu sâu các văn bản quy định, hướng dẫn về BVMT để tham mưu thực hiện kịp thời, cũng như chưa có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động lĩnh vực này. Một số cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp về BVMT. Việc thực thi quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT đôi lúc chưa nghiêm. Lực lượng làm công tác thanh tra, giám sát môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã còn rất mỏng, không đủ thiết bị cần thiết nên gặp không ít khó khăn khi giải quyết các vấn đề thực tế... 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh kịp thời cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, quy định trong lĩnh vực BVMT đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật về BVMT của Trung ương, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể hóa cơ chế, chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư trong các hoạt động BVMT nói chung, trong lĩnh vực XLRT, tái chế chất thải, xử lý nước thải và khí thải nói riêng.

Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT, nhất là đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải và khí thải than thiêu kết. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ các quy định về BVMT đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải lớn, các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại.

Hoàng Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN