BDK - Theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc khai thác sử dụng khoáng sản ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế tại địa phương. Trong đó, có phục vụ mục tiêu định hướng phát triển cơ sở hạ tầng, dự án lớn trọng điểm phát triển chiến lược của tỉnh cần phải đảm bảo được nguồn vật liệu san lấp khi chưa có vật liệu thay thế.
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại) đã có 50ha được san lấp với 700 ngàn mét khối cát. Ước tổng lượng cát phục vụ cho dự án là trên 2,7 triệu mét khối cát.
Tiến độ thăm dò, khai thác
Căn cứ các dự án, công trình theo Nghị quyết của tỉnh, nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn tỉnh bình quân cần khoảng 4 - 5 triệu mét khối/năm. Trong đó, có phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Thuận, Cụm công nghiệp Long Phước, các công trình giao thông. Đồng thời, Bến Tre được giao cung ứng nguồn vật liệu cát cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, tương ứng trên 7 triệu mét khối cát, tại Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 26-6-2024 của Văn phòng Chính phủ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 mỏ khoáng sản cát (Cẩm Sơn, Mỏ Cày Nam) san lấp hoạt động khai thác được cấp phép khai thác năm 2020 qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản với công suất khai thác 180 ngàn mét khối/năm, trữ lượng khai thác 489,3 ngàn mét khối. Thời hạn giấy phép được gia hạn 2 năm (đến tháng 10-2024). Chất lượng cát không đáp ứng yêu cầu cho các dự án giao thông trọng điểm.
Ngày 17-11-2023, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường năm 2024, gồm: 6 khu vực mỏ, trong đó tổng trữ lượng 3 mỏ đã có kết quả thăm dò 4,2 triệu mét khối; còn 3 mỏ trên sông Ba Lai chưa có kết quả thăm dò, trữ lượng khoanh định thực tế giảm. Do đó, tổng trữ lượng 6 mỏ dự kiến khai thác hiện nay khoảng 10 triệu mét khối.
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vào cuối tháng 6-2024, dự kiến tháng 8-2024, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá các mỏ cát. Quý IV-2024 đưa vào khai thác 3 mỏ Quới Sơn, An Đức - An Hòa Tây, An Hiệp - An Ngãi Tây. Quý I-2025 đưa vào khai thác 3 mỏ trên sông Ba Lai.
Tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến người dân nơi có khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá. Kết quả, đa số nhân dân đồng tình chủ trương nhưng có ý kiến lo ngại sạt lở trong quá trình khai thác cát, đề nghị cần có giải pháp đảm bảo an toàn. Riêng khu vực mỏ An Hòa Tây và An Đức, tỷ lệ dân đồng tình rất thấp (13%). Hệ thống chính trị sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo được sự đồng thuận cao của người dân tại 2 xã này.
Đối với 9 mỏ quy hoạch khai thác giai đoạn 2026 - 2030 có trữ lượng là 38,3 triệu mét khối (cụ thể, trên sông Tiền: 10,14 triệu mét khối; sông Hàm Luông: 15,03 triệu mét khối; sông Cổ Chiên: 12,8 triệu mét khối).
Bên cạnh đó, nạo vét luồng sông Cửa Đại với trữ lượng là 10,9 triệu mét khối, gồm: cát mịn tận thu 6,5 triệu mét khối; cát xen kẹp, bùn sét tận thu 4,1 triệu mét khối; bùn không tận thu 225 ngàn mét khối; rác hữu cơ 5,4 ngàn mét khối.
Đề xuất cơ chế đặc thù
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, mặc dù nguồn cát Bến Tre khá dồi dào nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong áp dụng cơ chế đặc thù khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Căn cứ Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16-6-2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (hiện đã khởi công và sắp khởi công). Tỉnh không có các tuyến đường cao tốc này đi qua nên tỉnh không được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.
Theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28-11-2023 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Bến Tre cũng không nằm trong hồ sơ khảo sát VLXD phục vụ các dự án được nêu trong Nghị quyết này để áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20-5-2024 của Chính phủ, các dự án nạo vét phải lập, phê duyệt lại tổng mức đầu tư của dự án trên cơ sở xác định lại giá trị sản phẩm tận thu theo Điều 40 của Nghị định này và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc khai thác cát phục vụ các công trình giao thông trọng điểm trong khu vực tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn để tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28-11-2023 của Quốc hội. Sớm ban hành tiêu chí đánh giá doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu khả thi; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá, phân tích thành phần, hàm lượng, khối lượng khoáng sản đối với các dự án, công trình nạo vét vùng nước cảng biển vùng nước đường thủy nội địa.
Theo Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam (tại Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 26-6-2024), Bến Tre được giao nhiệm vụ cung ứng khoảng 7,37 triệu mét khối cho các dự án, gồm: Dự án Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu mét khối. Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 3,37 triệu mét khối. Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 2 triệu mét khối. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ đối với các dự án đang có khó khăn về nguồn hoặc công suất khai thác theo tiến độ do các nguyên nhân khách quan và tiếp tục cân đối để cung ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Bến Tre đã xây dựng phương án cung ứng nguồn vật liệu. Cụ thể, đối với 2 triệu mét khối cát giao cho Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh áp dụng theo cơ chế thông thường. Sau khi chọn được đơn vị trúng đấu giá, tỉnh sẽ trao đổi ưu tiên cung cấp cát phục vụ cho công trình này.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trường hợp Bến Tre được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội (nằm trong hồ sơ khảo sát VLXD) và để cung ứng 5,37 triệu mét khối (cho dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 3,37 triệu mét khối và Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 2 triệu mét khối) như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh đề xuất các khu vực tiềm năng được áp dụng cơ chế đặc thù theo phương án: Khai thác một số mỏ được phân kỳ khai thác giai đoạn 2026 - 2030 trong Quy hoạch tỉnh. Tỉnh trình Chính phủ đưa một số mỏ phân kỳ khai thác giai đoạn 2026 - 2030 sang giai đoạn 2021 - 2025 trong Quy hoạch tỉnh.
Theo phương án này, Bến Tre sẽ có đủ lượng cát phục vụ các dự án giao thông trọng điểm theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, tỉnh có đủ lượng cát để phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh.
Theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021 - 2025: khoanh định 10 khu vực khai thác. Trong đó, có 1 khu vực trên sông Tiền, 3 khu vực trên sông Hàm Luông, 1 khu vực trên sông Cổ Chiên, 5 khu vực trên sông Ba Lai, tổng diện tích khoảng 716ha, với tổng trữ lượng khai thác ước đạt 17,1 triệu mét khối. Giai đoạn 2026 - 2030: Quy hoạch vùng thăm dò, khai thác giai đoạn 2026 - 2030, gồm 9 vùng, trong đó sông Tiền 3 vùng, sông Hàm Luông 3 vùng, sông Cổ Chiên 3 vùng, với tổng diện tích 1.095,32ha, tổng tài nguyên là 38,3 triệu mét khối cát.