
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng dịch tả heo châu Phi tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Ảnh: H.Trung
Hơn 1 tháng chống dịch
Nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thạnh Ngãi (Mỏ Cày Bắc) Phạm Văn Luận cho hay: “Thời gian qua, người dân ấp Thủ Sở đã phát hiện xác heo chết trôi trên con rạch trong ấp, lực lượng chức năng đã thu gom và thực hiện các bước khử trùng, tiêu hủy xác heo theo quy định”. Ông Phạm Văn Luận cho hay, do đối tượng cố ý vứt xác heo ra môi trường nên rất khó để bắt quả tang, lực lượng chức năng chưa truy tìm được thủ phạm.
Trước thực trạng đó, UBND xã Thạnh Ngãi đã họp dân nhắc nhở và nghiêm cấm hành động vứt xác heo chết ra môi trường; từng ấp, tổ nhân dân tự quản đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. “Vấn đề đáng lo ngại là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước có thể làm tái phát dịch cũng như gây khó khăn hơn trong phòng chống, nhất là thời điểm DTHCP đã lây lan rộng ra các huyện, thành trong tỉnh”, ông Phạm Văn Luận lo ngại.
Theo hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với việc chôn lấp, tiêu hủy heo bị bệnh DTHCP của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc chôn lấp heo bị dịch bệnh không đúng quy cách sẽ gây ra hậu quả là làm ô nhiễm môi trường. Điều này đồng nghĩa việc vứt xác heo chết ra sông, ao, mương sẽ rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch.
Ông Phạm Phúc Linh - Phó trưởng khoa Nông - Lâm - Thủy sản, Trường Cao đẳng Bến Tre cho biết: “Vi-rút DTHCP có độc lực cao, thời gian tồn lưu trong chất thải vật nuôi lâu (trong nước tiểu đến 45 ngày). Khi chất thải thải ra môi trường, nếu không được xử lý tiêu độc đúng cách thì sẽ là mầm bệnh, dễ dàng lây lan hoặc tái lại bất kỳ lúc nào. Tại các hộ xảy ra DTHCP thời gian qua, hầu hết đều không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện ổ dịch, mọi hoạt động tiêu hủy, tiêu độc khử trùng diễn ra ồ ạt nhưng sau dịch, bà con chăn nuôi chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình vệ sinh. Mặt khác, do điều kiện của tỉnh nhiều kênh rạch, ao, mương vườn nên hầu hết các hố chôn lấp heo chết chưa đảm bảo quy định về khoảng cách bãi chôn lấp như hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Bà Ngô Thị Hồng Thắm - chuyên viên Phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, qua ghi nhận thực tế trong đợt khảo sát vị trí và lấy mẫu nước khu vực chôn lấp vừa rồi tại địa bàn huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam, một số hố chôn có biểu hiện ô nhiễm như gây mùi hôi thối khó chịu. So với quy định việc chôn lấp vẫn chưa đảm bảo nên vấn đề môi trường chăn nuôi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Cân nhắc khi tái đàn
Theo ông Phạm Phúc Linh, các chuồng trại chăn nuôi quy mô gia đình hiện tại hầu như không có tường rào khép kín, đây chính là nguồn lây bệnh đối với đàn vật nuôi. Chất lượng giống không đảm bảo an toàn cũng là một nguồn lây lan bệnh rất lớn. Một trại đã nhiễm bệnh rồi thì rất khó tái đàn lại. Tháng 10-2019, dự báo sẽ có triều cường cao, nguy cơ đưa mầm bệnh trong đất lây lan trở lại. Vì vậy, các trại nuôi cần phải có sự tiêu độc kỹ lưỡng bằng vôi, các loại hóa chất sát trùng. Tuy nhiên, tiêu độc thân thể, chuồng trại thì dễ nhưng mầm bệnh trong đất, trong nước rất khó xử lý triệt để.
Ông Phạm Phúc Linh khuyến cáo các hộ nuôi phải thường xuyên giữ vệ sinh cho đàn vật nuôi, khi xảy ra dịch thì tuyệt đối không được giấu dịch, không được tự ý giết mổ, bán chạy. Vì đây sẽ là nguồn bệnh hết sức nguy hiểm, làm lây lan dịch bệnh. Đối với những trại đã nhiễm dịch rồi, không nên tái đàn heo trừ khi có vắc-xin vì mầm bệnh lưu trữ rất lâu và nguy cơ thiệt hại về kinh tế.
Hộ nuôi có thể chuyển đổi vật nuôi như: các loại gia cầm hoặc nuôi bò, dê. Cần đầu tư trang bị chuồng trại hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh chăn nuôi, có tường rào, hố tiêu độc, tuân thủ quy trình vệ sinh chuồng trại và đảm bảo chất lượng giống ban đầu. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên có sự chuyển đổi hoặc liên kết chăn nuôi theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có đủ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất góp phần chăn nuôi an toàn. Ngành chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho bà con nông dân về ứng phó với dịch, chăn nuôi an toàn và trang bị kiến thức mới để có hướng chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn, bền vững.
Tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với một trong các hành vi: vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm. |
Phan Hân - Thanh Đồng