 |
Đoàn tàu đánh bắt ở Bình Đại tham gia Lễ hội Nghinh Ông năm 2013. Ảnh: H.HIệp |
Bến Tre hiện có hơn 3.900 tàu đánh bắt hải sản, bình quân công suất mỗi tàu 193 mã lực, tổng cộng công suất 760.000 mã lực; trong đó có 1.759 tàu đánh bắt xa bờ, số còn lại là tàu đánh bắt gần bờ; hoạt động trên các vùng biển phía Nam như Nam Côn Sơn và gồm cả các ngư trường chính của vùng biển Nam Việt Nam.
Riêng ngư dân huyện Ba Tri thường tổ chức thành đoàn, tổ, đội quen đánh bắt vùng biển Tây Nam, thuộc vùng biển Cà Mau. Sản phẩm thường thu về các loại cá thu, cá chim, cá lạt, mực nang, mực ống… Hầu hết các tàu đều được trang bị thiết bị định vị hải đồ vừa hiện đại, sử dụng dễ dàng, chỉ 4-5 triệu đồng/cái nên sử dụng phổ biến và rất hiệu quả. Riêng máy dò ngang trong tỉnh chỉ mới thử nghiệm có 3 cái, giá mỗi bộ khoảng 300 triệu đồng nên ngư dân còn ngán ngại; mặc dù được tập huấn trước khi sử dụng nhưng ngư dân chưa quen kỹ năng sử dụng máy, chưa khai thác hết các chức năng của máy nên hiệu quả dò sóng chưa cao. Máy dò tần số siêu âm để phát hiện đánh bắt cá được năng suất cao đang được khuyến cáo ngư dân tiếp tục trang bị.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngư dân Bến Tre đánh bắt được 62.000 tấn/150.000 tấn so với kế hoạch năm. Theo nhận xét của nhiều ngư dân, năm nay, vùng biển phía Tây giảm sản lượng hơn các năm trước khoảng 20-30% do nguồn lợi thủy sản nơi đây bị giảm nhiều. Năm nay, vào vụ đánh bắt kể từ giữa tháng 6 dương lịch, trễ hơn 1 tháng so với thời vụ cá Nam chính thức là từ cuối tháng 4 đến tháng 10 dương lịch. Vụ cá Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch, trong đó có gió chướng trong mùa gió Đông Bắc và gió Tây Nam, nếu năm nào thời vụ diễn ra đúng mùa thì ngư dân dự đoán biết được cá nào ở đâu để đánh bắt đúng chỗ, nhiều cá. Từ năm 2011 đến nay, trong tỉnh có thêm 50 cặp cào đôi được chuyển từ cào Xiêm (100 chiếc cào đơn) do hiệu quả kém; cào đôi hiệu quả cao hơn là do lực kéo 2 tàu mạnh hơn so với 1 tàu, độ mở của mắt lưới và miệng lưới lớn hơn nên tốc độ kéo nhanh hơn, bắt được nhiều cá kích cỡ lớn, ít cá tạp, sản lượng hiệu quả tăng. Chính vì vậy, gần đây, nhiều người đầu tư đóng tàu cào đôi, mỗi 1 cặp tàu cào đôi phải tốn khoảng 10-12 tỷ đồng, nguồn vốn khá lớn, điều kiện thủ tục thế chấp vay khó, vay từ các ngân hàng thương mại lãi suất cao nên ngư dân rất đắn đo. Từ đầu năm 2013 đến nay, ngư dân Bến Tre đã đầu tư đóng mới và đăng ký được 41 chiếc tàu; so với năm 2012 có 89 chiếc; so với năm 2011 có 168 chiếc. Mỗi năm số lượng đóng tàu, đăng ký đánh bắt ngày càng ít đi.
Nhìn chung, gần đây, việc đánh bắt ngày càng khó khăn, sản lượng, hiệu quả thấp bởi giá xăng dầu, vật tư liên tục tăng, giá tiêu thụ giảm. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được gần 100 mô hình Tổ đội khai thác trên biển với 760 tàu. Đối với đánh bắt ven bờ, đa số dùng lưới kéo, ghe nhỏ, ít chuyển sang nghề khác được là do ít vốn đầu tư. Khai thác nội đồng thường đăng, đáy dùng mắt lưới nhỏ. Ghe cào lưới xiệt điện đôi khi vẫn còn hoạt động, khai thác cạn kiệt các loài thủy sản; đánh bắt tôm, cá con, nạn thuốc tôm cá làm kiệt quệ nguồn giống nên khi thả nuôi phải dùng nhiều con giống nhân tạo. Chuyên ngành thủy sản đã có phân cấp quản lý đối tượng đánh bắt nhưng chính quyền các địa phương một số nơi vẫn chưa quan tâm quản lý, kiểm tra, xử lý tốt; chưa ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm trong quản lý nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đều có cho vay để đóng mới hoặc cải sửa phục vụ đánh bắt xa bờ. Ngư dân huyện Bình Đại, Ba Tri tiếp cận tốt nguồn vay, nên đoàn tàu đánh bắt khá vững mạnh, có cả tàu chuyên dịch vụ ra vào như vật tư, lương thực và sản phẩm đánh bắt từ xa bờ về đất liền. Riêng huyện Thạnh Phú, nhất là phía bờ sông Cổ Chiên ngư dân chưa quen, vốn ít, còn sử dụng các vỏ tàu cũ, công suất nhỏ nên đầu tư còn rất hạn chế. Hiện nay, các chủ tàu cần phải đoàn kết lại, tự nguyện lập các tổ, đội, đoàn đánh bắt có tổ chức, phân công tàu dịch vụ để giảm tối đa chi phí hoạt động, tìm kiếm ngư trường, hướng dẫn lẫn nhau, giúp nhau trên biển, thông tin liên lạc kịp thời khi có bất trắc xảy ra.
Ngư dân cần sự giúp đỡ của ngân hàng dễ tiếp cận nguồn vốn đầu tư đánh bắt xa bờ, khuyến khích dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ sau thu hoạch, chuyển đổi nghề khai thác đánh bắt ven bờ, nội đồng sang các nghề khác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác trái phép như sử dụng công cụ mắt lưới nhỏ đánh bắt, xiệt điện, thuốc tôm cá, khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản trái quy định.