Bà Nguyễn Thị Nhàn (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Gần nhà tôi có vợ chồng bà A. xin một đứa trẻ khoảng 3 tuổi về làm con nuôi. Khi cháu tới tuổi đến trường, ông bà có cho nó đi học. Những khi cháu ở nhà, ông bà thường hay la mắng cháu vô cớ, lại đánh đập và chửi rủa cháu.
Nay
cháu bé này đã 9 tuổi nhưng ông bà A. không cho đi học mà bắt cháu ở nhà làm
công việc vệ sinh nhà cửa, giặt giũ, không cho tiếp xúc với bên ngoài. Thỉnh
thoảng, hàng xóm nghe tiếng cháu khóc và tiếng bà A. chửi rủa. Một lần, nhân
lúc cháu bé ra ngoài, tôi hỏi chuyện thì cháu tỏ vẻ sợ hãi vì sợ ông bà A. nhìn
thấy.
Xin hỏi: Hành vi ngược đãi, hành hạ con nuôi
sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến
(Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 2, Luật Nuôi con nuôi
(năm 2010): “Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền
vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con
nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”. Khoản 2, Điều
1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) quy định: “Bạo lực gia đình
(BLGĐ) là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây
tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia
đình”. Mặt khác, tại Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống BLGĐ quy định hành vi
BLGĐ gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức
khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập,
xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng…
Ông bà A. đã tự nguyện xin nhận cháu bé làm
con nuôi nhưng không làm tròn nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu. Việc
đánh đập, chửi rủa, mắng nhiếc cháu bé của ông bà A. đã có dấu hiệu của hành vi
BLGĐ. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật Phòng, chống BLGĐ: “Người có hành
vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà
bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đối với
hành vi của ông bà A., tùy theo từng mức độ, tính chất của hành vi, ông bà có
thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
- Có thể bị xử phạt hành chính về hành vi
hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình theo quy định tại Điều 50 Nghị định số
167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội;
phòng, chống BLGĐ (mức phạt tiền tùy theo hành vi của người vi phạm và buộc phải
khắc phục hậu quả).
- Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội
hành hạ người khác theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự (năm 1999); người
vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị tù giam.
Do vậy, để xử lý hành vi này, người nào nắm
rõ sự việc, có thể đến trình báo với cơ quan công an xã (phường), nơi gia đình
ông bà A. đang cư trú để được hỗ trợ, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp
luật.