Đánh ghen rồi… ăn Tết

17/02/2015 - 05:28

Cái bữa cơ quan làm lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, có cả đàn ông con trai tới dự. Khi chuyển qua màn liên hoan văn nghệ, bắt buộc ai cũng phải hát một bài tân, cổ, nói thơ, hò lơ hò lờ, gì cũng được, bởi “tới đây không hát thì hò, đâu phải con cò ngóng cổ mà nghe”. Riêng phần chị Hai Thêm thì ai cũng bắt chị phải kể lại cái chuyện đánh ghen hồi… năm nẵm nghe chơi. Chị Hai nói: “Cái chuyện quánh ghen đó cách nay hơn 40 năm rồi, trước ngày Đồng khởi nữa, hồi tui chưa đi làm cách mạng lận mà, kể lại mắc cỡ chết luôn. Hồi đó có biết ất giáp gì đâu, cứ nghe phấp phố phấp phưởi rồi ghen bóng, ghen gió. Mấy em, nhứt là con gái thời bây giờ, đừng bắt chước chị kiểu ghen tuông tầm bậy tầm bạ kiểu đó nghe hôn, nó hổng có văn hóa chút nào hết”. Rồi chị kể:

Ảnh: Minh họa.

Nhớ lúc đó trời vừa sẫm tối, đương ngồi ngoài sân chờ ổng về ăn cơm, bỗng tui nghe mấy ông bạn nhậu của ổng bơi xuồng đi ngang nói qua lại với nhau cố ý cho tui nghe: “Con rắn hổ ri cá mập lút cán này mà thiếu Hai Thêm đại ca, mình nhậu đâu có vui mậy, Phến”. Ba Phến giọng ồn ồn: “Hồi nãy tui thấy ảnh nháng tới nháng lui ở ngoài đình Ông Hổ chớ đâu”. Cả xuồng ráp cười. Có tiếng ai xen trong đó: “Thôi rồi. Chắc mẻm tối nay ảnh làm Tiết Đinh San rồi”… Nói thiệt, nghe mấy ổng nói, tui giận run, tay đương cầm con dao yếm, tui cắm phập vô cây chuối, bỏ đó, rồi vọt liền qua nhà Ba Phải. “Chết chết, chớ tui hổng để yên cho mấy con đào này đâu nghen chị Ba”. Ba Phải đương chấm dầu dừa vô tóc để chải bới, nhíu mày hỏi: “Cái gì mà chết chết?”. “Thì… cái vụ Tiết Đinh San, Phàn Lê Huê đó. Tui nói lần này như đinh đóng cột, quánh ghen rồi mới ăn Tết, chị có đi phụ tui hôn?”. Ba Phải trả lời tỉnh bơ: “Phụ thì phụ chớ. Gì chớ cái vụ quánh ghen, Ba Phải này đâu có ngán, mợ Hai”.
Nguyên do cái vụ này là gánh hát bội pha cải lương Phụng Võ đưa ghe về hát ở đình Ông Hổ mới được vài đêm, đã nghe mấy ông đàn ông xù xì với nhau là: “Hai Thêm khoái cô đào đóng vai Phàn Lê Huê”. Khi lai rai cá nướng trui với cóc ổi là mấy ông bợm nhậu cứ ráp nhau kêu Hai Thêm là Tiết Đinh San. Tui nghe mà mắc sùng bố. Tui nghĩ, hễ con đào nào mà đóng vai Phàn Lê Huê là phải thiệt ngộ đứa, hát hay, chớ mặt rỗ chằng rỗ chịt, lùn đũn, lé xẹ, chỉ có con cọp nó ngó chớ ai mà coi. Với lại ông nhà Hai Thêm của tui cũng bay bướm lắm. Cứ ra khỏi nhà là chải đầu tém, xức dầu thơm ba số năm (555) bóng dợn, láng mướt, ruồi bu cũng trợt té. Cái mửng đó đó hả, hễ mê mùi mẫn nhau thì thế nào cũng dính. Mà hễ dính rồi thì làm sao tránh khỏi cái chuyện dẫn nhau đi ăn nằm. Càng nghĩ tới chuyện đó, tui càng phát điên lên. Phải ra tay trước chớ hổng có nói on-đơ gì hết.
Đêm đó còn trăng lưỡi liềm. Tui kêu chị Ba Phải qua nhà cùng đi. Chỉ là đàn bà giá, có số kiếp long đong. Chồng chỉ làm thợ mộc, nhưng khi trúng tờ giấy số độc đắc “kiến thiết quốc gia” được một triệu đồng (thời Ngô Đình Diệm) rồi thằng chả quăng hết trọi đồ nghề cưa, bào, đục xuống sông, dắt vợ bé đi biệt xứ. Từ đó chị đâm ra hận đàn ông. Bởi vậy, nên ai rủ đi “quánh ghen” là chỉ hăng ra mặt. Chỉ nói: “Mình đi phụ quánh ghen là bênh vực cho chị em bị hắt hủi, thiệt thòi chớ hổng phải cái kiểu quánh ghen khóc mướn như dân ngoài chợ đâu”. Vậy chớ cũng năm ăn năm thua. Có lần đi phụ “quánh ghen” với vợ Năm Phền ở xóm trên, chỉ rấn tới nắm chắc cái đầu tóc của con vợ bé đó ghị lại thiệt mạnh cho nó trặc cần cổ chơi, hổng dè gặp thứ đầu tóc mượn, nó vuột ra, làm chỉ té ngửa cái đùng xuống sàn nước. Khi lội lên được thì thấy thằng cha Năm Phền đứng trước mặt chỉ cười khỉ. Chỉ tức muốn chết. Vậy mà Năm Phền còn hỏi chọc gan: “Chị Ba làm gì mà lội dưới đìa cho lạnh vậy?”. Lúc đó, chỉ muống phang cho thằng chả một khúc củi cho đã nư.
Chị Ba Phải nói dứt khoát với tui: “Mợ Hai an tâm đi, lần đó coi như tui thua, lần này tui chơi keo khác. Nó làm Phàn Lê Huê thì mình cũng phải là Lưu Kim Đính chớ bộ giỡn hả”. Đợi đến chín, mười giờ đêm, hai người mượn chiếc xuồng ba lá be mục cỡ “trồng hành” của ông Mười Sậm, tách bến, người tát nước, người bơi ngược tới xẻo ô rô thì đậu lại bên bờ đi thầm, lần mò tới đình thì đã vãn hát. Đào kép lớp ngủ lớp thức, mùng giăng lung tung theo hành lang. Tụi tui rón rén đi êm lách qua khỏi tốp đốt đèn cầy uống rượu, tốp đánh bài tứ sắc để bọc ra phía sau đình. Tui dừng lại cạnh cái mùng giăng lẻ dưới gốc cây dương. Tui tính chắc mẻm là đây vì trong mùng có tiếng đàn bà nói rù rì. Phải bắt quả tang, để ổng hết đường chối cãi. Ngực tui lúc đó như có trống đánh. Tui móc trong túi áo lấy cái hộp quẹt ba số năm (555) để xẹt cho rõ mặt, nhưng tay run quá làm bật văng mất cái ruột gà với cục đá. Ba Phải tức tốc quơ tay guộn cái mùng, bứt hết dây giăng, xốc tới định thộp ngực “con mồi”, nhưng “nó” hổng có bận áo. Tui thì nắm tóc người nằm kế, nhưng vuột tuốt vì đầu trọc hay hớt ma ninh cua gì đó. Hai người vụt ngồi dậy, la lối om sòm: “Trời ơi chết tui. Ai làm gì kỳ vậy?”. Cái tay kép đóng vai Tiết Ứng Luông mặt mày còn son phấn, bặm trợn xách cây gươm bự chảng, sáng dới chạy tới thủ bộ hét: “Hai bà này ở đâu tới đây? Hai bà muốn gì? Vợ chồng ông bầu gánh người ta đương ngủ, bộ hai bà đui ha hổng thấy! Xớn xơ xớn xác vậy!”. Thú thiệt, lúc đó hai chị em tui tay chân rụng rời, muốn… vãi ra quần. Năn nỉ muốn gãy lưỡi mới được cái tay “Tiết Ứng Luông” với vợ chồng bầu gánh dung tha. Khổ nỗi đào kép đương ngủ gần đó đều tốc mùng dậy kéo tới đứng xung quanh tui, giống như mình coi hát bội vậy.
Khi tụi tui trở lại bến ô rô để về thì chiếc xuồng mắc dịch nó chìm luôn dưới rạch, phải trầm mình lội xuống để lắc nước, lụi hụi quá nửa đêm mới về tới nhà. Vừa bước vô cửa, tui thấy ổng ngồi một đống, chong đèn coi truyện “Tiết Nhơn Quý chinh Đông”. Bực quá, tui hỏi: “Hồi tối giờ ông đi đâu?”. Ổng trả lời tỉnh bơ: “Thì tui đi họp ban cán sự Nông hội bàn chuyện phục vụ chiến dịch Đông Xuân tấn công địch. Tui xung phong đi dân công hỏa tuyến dài hạn, chắc Tết này ăn Tết ngoài mặt trận luôn. Còn bà ở nhà lo chuyện hậu phương, phục vụ cơm nước cho thương binh, bộ đội đó nghe!”.
Tui như nuốt cái cục giận nhưng cũng trách vớt ổng một câu: “Đi hội họp mà cũng hổng nói cho người ta biết!”. Ổng dòm tui một hồi rồi hỏi: “Còn bà đi đâu về khuya, bộ té cầu hay sao mà ướt ngoi hết vậy?”. Đúng là lần “quánh ghen” nhớ đời.

CAO NGUYÊN ANH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN