Đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn huyện Giồng Trôm

12/12/2023 - 16:29

BDK.VN - Ngày 12-12-2023, đoàn giám sát của tỉnh do Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đoàn Hải Nam làm trưởng đoàn có chuyến giám sát đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Tham gia cùng đoàn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng đại diện đoàn thể, đơn vị có liên quan.

Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung phát biểu tại buổi giám sát kiểm tra.

Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung phát biểu tại buổi giám sát kiểm tra.

Năm 2023, huyện Giồng Trôm có tổng vốn đầu tư phát triển 8,102 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 6,3 tỷ đồng và ngân sách địa phương 1,802 tỷ đồng) để thực hiện 7 dự án và 2 tiểu dự án. Toàn huyện, có 1.809 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 3,35% (giảm 1,02% đạt so với kế hoạch); 1.006 hộ cận nghèo, đạt tỷ lệ 1,86%. Huyện giải quyết việc làm cho 2.827 lao động, đạt 100,96% (tăng 0,21% so cùng kỳ); đưa 416 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 148,57% (tăng 45,37% so cùng kỳ).

Huyện Giồng Trôm đã triển khai 29 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn do năm 2022 chuyển sang năm 2023. Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,05% (có văn bằng và chứng chỉ 31,08%). Tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho 702 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo; với kinh phí 32,489 tỷ đồng; tổng số dư nợ 164,097 tỷ đồng.

Cho vay đi làm việc có thời hạn nước ngoài 74 lao động, với tổng kinh phí 6,217 tỷ đồng, tổng dư nợ là 49,020 tỷ đồng. Cho vay giải quyết việc làm tại địa phương cho 310 lao động, với số tiền 15,509 tỷ đồng, tổng dư nợ 49,020 tỷ đồng. 241 hộ xã bãi ngang vay 12,422 tỷ đồng, tổng dư nợ 32,583 tỷ đồng. 193 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vay số tiền 11,773 tỷ đồng, tổng dư nợ 38,066 tỷ đồng....

Tại buổi giám sát, đại biểu xã, thị trấn và huyện Giồng Trôm báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các công trình, mô hình phát triển kinh tế, kết quả thực hiện các dự án, việc thiết kế chương trình, bố trí nguồn lực; tiến độ thực hiện ở địa phương...Ngoài ra, đại biểu đề xuất và kiến nghị cấp trên có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cần giải quyết thấu đáo ở địa phương.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Đoàn Hải Nam cho biết: Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 cùng những khó khăn thực tiễn chung về kinh tế - văn hóa. Địa phương nên chuyển kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cuối năm 2023 chuyển sang 2024 ngay đầu năm mới, nhằm tránh việc “chạy” để hoàn tất các chỉ tiêu vào cuối năm.

Thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo các cấp về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hàng năm. Quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc địa phương đang gặp phải. Ngành chức năng sẽ kịp thời có định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Tin, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN