Bà Nguyễn Thị Thanh (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn như sau: Nguyễn Văn Nhạn (17 tuổi) và Ngô Tấn Bốn (18 tuổi) là bạn cùng xóm. Nhạn đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh người vào năm 2015. Tháng 1-2017, Nhạn cự cãi với Bốn rồi hai người đánh nhau. Bốn đánh Nhạn bằng cây gài cửa trúng vai phải gây thương tích 11%. Nhạn dùng cây nhọn đâm Bốn trúng đùi phải gây thương tích 11,5%. Xin hỏi Nhạn và Bốn có bị xử lý hình sự không? Nếu có, ai là người bị tội nặng, mức án sẽ ra sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành tư vấn như sau:
Trường hợp của Bốn dùng cây gài cửa đánh trúng vai phải
Nhạn gây thương tích 11% là đã phạm vào Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự
(BLHS) về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác”. Theo đó, luật quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc
một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm,
hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây
nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân… Trong trường hợp trên, Bốn
sẽ bị khởi tố nếu có đơn yêu cầu khởi tố của bị hại là Nhạn.
Đối với Nhạn, sau khi bị Bốn dùng cây gài cửa đánh trúng
vai gây thương tích, thì Nhạn mới dùng cây nhọn đâm trúng đùi của Bốn. Hành vi
của Nhạn có thể phạm vào tội: “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe
cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Theo quy định tại Khoản
1, Điều 106 BLHS: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho
người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến
2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Do Nhạn gây thương tích cho Bốn với
tỷ lệ thương tật 11,5% nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, theo bà trình bày, giữa Nhạn và Bốn nên thương
lượng thỏa thuận bồi thường tiền thuốc để giữ gìn tình bạn bè, chòm xóm.