Danh nhân Phan Văn Trị - một thế kỷ nhìn lại

20/06/2020 - 19:40

BDK.VN - Chiều ngày 20-6-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 190 năm ngày sinh, 110 năm ngày mất Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị với chủ đề “Danh nhân Phan Văn Trị - một thế kỷ nhìn lại”.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội thảo.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay Dương Trung Quốc, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức, đại diện Thường trực Thành ủy TP. Cần Thơ, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy Long An, Hậu Giang, đại biểu huyện Phong Điền và trường THPT Phan Văn Trị ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ; nguyên lãnh đạo Trung ương, địa phương và các sở, ngành đoàn thể tỉnh.

Hội thảo được nghe 12 tham luận khoa học về Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. Qua đó đã làm sáng tỏ và sâu sắc thêm nhiều vấn đề, khẳng định tài năng, nhân cách, bản lĩnh của nhà thơ qua các thời kỳ lịch sử, nhất là trong bối cảnh tình hình đất nước bị thực dân pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Phát biểu tại hội thảo, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, khẳng định: Phan Văn Trị là một trong những con người ưu tú của quê hương Bến Tre, một danh sĩ trong văn mạch Miền Nam, một chí sĩ trong phong trào yêu nước chống giặc trên mặt trận chính trị tư tưởng và là một nhà nho kiên cường đã dùng ngòi bút của mình trực tiếp đã kích, vạch mặt những kẻ cam chịu làm tay sai cho giặc. Đây cũng là dịp để nhìn lại các vấn đề nghiên cứu về con người, cuộc đời, sự nghiệp thơ ca của ông, những giá trị văn hóa trong di sản mà ông để lại.

Hội thảo đã rút ra nhiều giá trị, khẳng định tầm vóc nhà thơ yêu nước trong nền văn học thời cận đại nói riêng, lịch sử văn học nước ta nói chung. Rút ra nhiều bài học giá trị mà thế hệ ngày nay cần kế thừa, phát huy, nhất là trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tin, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN