Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành cả ngày 4-11-2024 để thảo luận ở hội trường nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng một số nội dung khác.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Điều chỉnh để phát triển bền vững
Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu bàn thảo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, qua 3 năm tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến nay, nhiều chỉ tiêu sử dụng đất đã không còn phù hợp. Đơn cử như việc tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt. Do đó, chưa xác định đầy đủ, chính xác nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Từ năm 2021 đến nay, nhất là sau dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng… với quy mô sử dụng đất lớn, làm tăng nhu cầu sử dụng một số loại đất tại các địa phương có dự án so với chỉ tiêu đã được phân bổ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là rất cần thiết để Chính phủ có đủ thời gian tổ chức lập, thẩm định, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh với các nội dung chủ yếu gồm: Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Chính phủ cũng đề xuất nội dung Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: "Đồng ý chủ trương giao Chính phủ tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025" và đưa thành một nội dung tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15: “Khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 để trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia. Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, chủ trương thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước năm 2030 với nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha đã được thống nhất thông qua. Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp này. Do vậy, Ủy ban tán thành sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Cân đối hợp lý các chỉ tiêu sử dụng đất
Đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ gửi tới Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều tra quy hoạch và Định giá đất đánh giá, sau 3 năm thực hiện, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã phát huy được những hiệu quả nhất định, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, song vẫn còn hạn chế cần điều chỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và xây dựng phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, tính toán xây dựng phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Tuy nhiên, kết quả khảo sát và báo cáo của các địa phương đến ngày 31-12-2023, tính chung cả nước, các chỉ tiêu sử dụng đất đã thực hiện thực hiện đạt từ 5% đến 10% so với chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 đã được Quốc hội phê duyệt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Nguyễn Đức Hùng là do nước ta vẫn đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19. Cùng với đó là các tác động tiêu cực từ tình hình biến động kinh tế, chính trị thế giới, ảnh hưởng của thiên tai, dẫn đến nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển các ngành, lĩnh vực cũng có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 - 2023, các bộ, ngành địa phương đều tiến hành lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành ảnh hưởng đến việc phê duyệt và thực hiện các công trình, dự án, dẫn đến việc chậm thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất. Việc chuẩn bị đầu tư, phê duyệt, thực hiện các công trình, dự án còn mất nhiều thời gian. Việc bố trí nguồn lực đầu tư để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bị hạn chế dẫn đến việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát với khả năng thực hiện của địa phương.
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ về nội dung điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Nhóm đất nông nghiệp với các loại đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; nhóm đất phi nông nghiệp gồm đất quốc phòng, đất an ninh, ông Nguyễn Đức Hùng cho rằng, việc tính toán, xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh cần được tiến hành rà soát kỹ lưỡng. Các địa phương, Bộ, ngành cần đề xuất nhu cầu sát với thực tiễn, tính toán dự báo các chỉ tiêu khoa học, cân đối hợp lý chỉ tiêu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì đảm bảo độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.