Đất cấp cho hộ gia đình, thi hành án gặp nhiều vấn đề nan giải

28/04/2016 - 07:30

Thi hành án đối với những việc án có tài sản là đất cấp cho hộ gia đình rất khó khăn, ảnh minh họa.

Trong tình hình chung của cả nước, ngành Thi hành án (THA) dân sự tỉnh đang gặp khó khăn trong THA đối với những việc án có giá trị thi hành lớn. Đặc biệt là những việc án bán đấu giá tài sản nhưng chưa bán được, án vướng Điều 74 Luật THA dân sự (liên quan đến việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để THA. Bên cạnh đó, việc kê biên xử lý tài sản để đảm bảo THADS gặp rất nhiều khó khăn do vướng về cơ chế pháp luật, vướng quan điểm và vướng về thực tiễn, về tâm lý và nhu cầu của xã hội do người mua không thích mua tài sản THA… 

* Việc án có giá trị lớn nhưng rất khó thi hành

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có trên 420 việc án cơ quan THA đã kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua và không bán được tài sản (trị giá trên 120 tỷ đồng); có hơn 670 việc án cơ quan THA xác minh có tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) hộ gia đình, trị giá hơn 44 tỷ đồng.

Trong số việc án này, điển hình là trường hợp THA đối với người được THA (nguyên đơn) là Công ty TNHH Woosung Vina (trụ sở tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và người phải THA (bị đơn) là ông Mai Quốc Thanh (Phường 4, TP. Bến Tre). Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre, ông Thanh còn nợ và phải trả số tiền 1,5 tỷ đồng (số tròn) cho công ty này, phương thức trả mỗi tháng 100 triệu đồng được bắt đầu thực hiện từ tháng 3-2013 cho đến khi trả hết nợ; nếu ông Thanh thực hiện đúng thì công ty sẽ không tính lãi đối với khoản nợ của ông và sẽ trả lại cho ông giấy chứng nhận QSDĐ. Ông Thanh không thực hiện được. Sau đó, cơ quan THA dân sự tiến hành các thủ tục THA, xác minh được ông Thanh có tài sản chung với vợ là bà Lê Thị Huế Thư và giấy chứng nhận QSDĐ được cấp cho hộ gia đình do bà Thư đứng tên, trên phần đất này còn có 1 căn nhà cấp 4 nền gạch men, mái lợp tol chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (tọa lạc tại phường 4, TP. Bến Tre). Không THA được việc này, Chấp hành viên (CHV) Cục THA dân sự tỉnh thụ lý vụ việc đã căn cứ Điều 74 Luật THA dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) yêu cầu TAND TP. Bến Tre xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần QSDĐ của người phải THA (ông Mai Quốc Thanh) trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Sự việc kéo dài cho đến nay vẫn chưa THA được.

Một trường hợp khác, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành đã gần 10 năm nhưng vẫn chưa THA được, do tài sản phải THA là đất cấp cho hộ gia đình. Theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh tuyên vào tháng 11-2007, ông Trương Văn Hùng, ngụ xã Phú Hưng, TP. Bến Tre phải trả cho ông Lữ Thành Út, ngụ phường Phú Khương, TP. Bến Tre số tiền 231 triệu đồng (số tròn). Quá trình THA, CHV thụ lý việc án xác minh được biết ông Hùng có tài sản chung là thửa đất ở (tọa lạc xã Phú Hưng, TP. Bến Tre), có nhà xây dựng trên đất khoảng năm 2002 nhưng không có giấy chứng nhận quyền sổ hữu nhà. Phần đất này thuộc quyền sở hữu của chủ hộ là bà Lê Thị Hỏi (mẹ của ông Hùng), bà có tổng cộng 7 người con (ở nhiều địa phương khác nhau) và khi chết bà không để lại di chúc. Việc này đã gây khó khăn cho cơ quan THA, đến nay đã gần 10 năm nhưng chưa THA được.  

 

* Những khó khăn trong công tác THA do “lấn cấn” quy định pháp luật và giải pháp hiệu quả

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 74 Luật THA dân sự: Nếu người phải THA và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất không tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và không yêu cầu Tòa án giải quyết, đồng thời người được THA cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết thì CHV yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải THA trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự, CHV xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Điểm c, Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự): Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, QSDĐ chung của hộ gia đình thì CHV xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản (thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, nhận chuyển QSDĐ). CHV thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Trường hợp các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của CHV thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì CHV tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

Trên thực tế, người phải THA và các đồng sở hữu, sử dụng tài sản chung thì không bao giờ muốn khởi kiện, bởi vì họ không muốn tài sản của họ bị kê biên xử lý THA. Bên cạnh đó, khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà không có người khởi kiện thì CHV phải tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ. Như vậy, việc kê biên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người không có nghĩa vụ phải THA, chi phí cho việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá… cùng phát sinh những tranh chấp khác, trong đó có sự rủi ro mà CHV là người phải gánh chịu hậu quả…

Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh cho biết: “Quy định của pháp luật chưa đồng nhất với nhau đã gây nhiều khó khăn cho công tác THA, dẫn đến việc án thi hành kéo dài, thậm chí nhiều năm nhưng vẫn chưa thể THA được”.

Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, ngành THA dân sự tỉnh đã đưa ra những kiến nghị: Các bộ, ngành liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn thống nhất xử lý tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung theo hướng “Nếu người có nghĩa vụ và các đồng sở hữu tài sản chung có thỏa thuận xác định phân chia thì yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó, trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo Khoản 1, Điều 74 Luật THA dân sự yêu cầu Tòa án phân chia”, khi có kết quả CHV thực hiện theo quyết định của Tòa án.

Đối với tài sản chung không thể phân chia hoặc việc phân chia làm giảm giá trị tài sản thì CHV được quyền kê biên toàn bộ tài sản chung, tiến hành thẩm định giá tài sản và lấy kết quả thẩm định giá này để xác định giá trị phần sở hữu, sử dụng tài sản cho các đồng sở hữu chung theo tỷ lệ phần bằng nhau. Trong quá trình CHV tiến hành bán đấu giá, nếu không có người mua thì giảm giá và tiếp tục bán đấu giá (các đồng sở hữu cũng phải chịu theo tỷ lệ giảm giá bằng nhau), khi bán được tài sản thì chia theo tỷ lệ cho các đồng sở hữu chung; riêng phần sở hữu của người phải THA phải trừ các chi phí cưỡng chế, thẩm định giá, bán đấu giá và chi phí hợp lý theo quy định pháp luật, số tiền còn lại chi trả cho người được THA…

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN