Cửa ngõ giao lưu văn hóa
Châu Thành là vùng nước ngọt quanh năm, thiên nhiên ưu đãi, đất đai trù phú, vườn cây trái xum xuê. Nơi đây đã khơi nguồn, nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của nhiều cây bút vang tiếng một thời. Trước năm 1975, từ trong vùng giải phóng, đã có nhà văn Trang Thế Hy, nhà thơ Chim Trắng, Tô Nhược Châu, Lê Hà… và nhiều cây bút tiếp sau như: Kim Ba, Vũ Hồng, Khổng Huỳnh Phong, Ngô Thị Thu Vân... đều sinh trưởng hoặc cư ngụ tại Châu Thành. Có thể nói, vùng đất Châu Thành đã góp cho tỉnh nhà nhiều gương mặt thơ văn…
Nằm ở vị trí cửa ngõ của Bến Tre, Châu Thành mang đặc điểm nổi trội về giao thông, giáo dục, văn hóa có bước phát triển khá sớm. Việc trao đổi, mua bán thuận tiện, qua đó người dân có điều kiện giao lưu văn hóa rộng hơn. Con em một số gia đình khá giả được cha mẹ gửi sang học Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu lâu đời và nổi tiếng của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Chính yếu tố văn hóa đã góp phần đưa con người đến gần mảng sáng tác văn chương. Song, yếu tố quan trọng vẫn là chủ thể người sáng tác có ngoại cảnh tác động làm nảy sinh cảm hứng tạo nên những tác phẩm được người đọc chấp nhận.
Ngoài đặc điểm chung của người dân Bến Tre yêu chính nghĩa, điều thiện, bao dung, ghét cái xấu, cái gian ác… con người Châu Thành vốn có cái chất phác, thật thà, hào sảng của người nông dân cộng với cái năng động, tinh tế của người đang “thành thị hóa”. Họ tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng các thông tin cũng như hưởng thụ nghệ thuật. Vì thế, cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Theo nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, “cảm hứng cho người ta sáng tác trước hết là tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước được khơi gợi, nảy sinh trong dòng cảm xúc bộc phát”.
Những vần thơ bình dị trong bài thơ Tiếng nước của Kim Ba:
“Tai lắng nghe âm thanh bề bộn đời thường
náo nhiệt phố phường, ồn ào quán xá
vẫn vọng đến cùng con - bền bỉ lạ
tiếng nước đổ lên đồng tự ngày tháng xa xôi
tiếng nước âm trầm, đứt đoạn, nhỏ nhoi…
như một hành trang không thể thiếu…”, như gieo nhớ trong lòng người với thanh âm quen thuộc, sâu lắng về một thời “xa xôi” của quê mình. Hay lời tự sự: “Nơi ấy không phải quê nhà, nhưng hết cả một quãng dài đẹp nhất, tinh túy nhất của một đời người, tôi đã trải qua ở đấy: Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre”, mà tác giả Ngô Thị Thu Vân từng viết trong tùy bút Đêm Sài Gòn trăn trở.
Có thể nói, chính tình cảm thật, những rung động thật đối với nơi đã sinh ra và gắn bó như máu như thịt, người sáng tác mới thổi hồn vào từng câu văn, lời thơ rất thật và có sức lan tỏa cảm xúc mạnh mẽ như thế.
Vùng đất dưỡng nuôi cảm xúc
Quê hương Châu Thành với những vườn cây ăn trái trĩu quả, sai cành, những cánh đồng lúa chín trĩu hạt đã thực sự trở thành vùng quê sáng tác cho nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, góp phần làm nên những tác phẩm có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Trưởng thành từ trong kháng chiến, nhà văn Trang Thế Hy cho hay: “Niềm vui của nhà viết văn là được viết những gì mình yêu. Cái tôi viết ra là của tôi và quê hương, không lẫn lộn với bất kỳ ai”. Trong tất cả tác phẩm của nhà văn Trang Thế Hy vẫn là hình ảnh xứ Dừa, tình yêu quê hương, ca ngợi hai cuộc kháng chiến của nhân dân tỉnh Bến Tre. Tiêu biểu với truyện ngắn Anh Thơm râu rồng, tập truyện Tiếng khóc và Tiếng hát, Nợ nước mắt… nhà văn đã được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), tặng thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học của Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Cũng như bao nơi khác của Bến Tre, Châu Thành xưa kia là vùng đất máu lửa, đặc biệt những kỳ tích vẻ vang trong chiến tranh (Chiến thắng Lộ Thơ, những chiến công của binh chủng đặc công thủy bộ, hoạt động của đường dây giao liên huyết mạch…), là niềm tự hào và cảm phục của bao thế hệ. Đối với nhà thơ Chim Trắng, sắc màu quê hương đặc quánh trong dòng cảm xúc dạt dào:
“Chúng ta đứng đây
Bộn bề vang tiếng súng
Thương những bông dừa mới rụng
Lên tóc anh
Lên tóc em
Làm dấu nhạc ngợi ca tình yêu và cuộc sống” (Bài thơ đỏ)
Bên cạnh những tuyệt phẩm viết về quê hương trước và sau giải phóng, xuất hiện một hồn thơ lãng tử nhưng mạnh mẽ, đầy nội lực, cá tính rất riêng của nhà thơ Tô Nhược Châu. Sinh ra ở Giao Long, Châu Thành nhưng chất phiêu bồng thi sĩ hòa trong mạch cảm xúc bao la giữa tình người trong cuộc sống, nhà thơ để lại cho kho tàng thơ của tỉnh nhiều tuyệt phẩm. Trong đó, bài thơ Đã chết nghìn thu tiếng nguyệt cầm là một trong tuyệt tác của Tô Nhược Châu được bạn đọc tạp chí Kiến thức Ngày nay bình chọn là bài thơ hay nhất năm 1990. Vần thơ trầm bổng đầy tâm sự của người yêu tiếng đàn nguyệt cầm:
“Bao năm rồi vắng người tri kỷ
Đàn lạnh lùng treo hề cô đơn
Người quá vô tình đâu có biết
Âm thầm ta đợi mấy mùa trăng”
Yêu đàn, yêu nhạc là một lẽ nhưng quan trọng với Tô Nhược Châu vẫn là tình bạn hữu thâm giao. Nếu không có “tri kỷ”, đàn chỉ “treo” và âm thầm đợi chờ “tóc bạc màu”.
Với nghệ sĩ, dù thời đại nào đi nữa, “sáng tác phải bắt nguồn từ cảm xúc thật. Cảnh sắc thân thuộc quê nhà dễ tạo cho người nghệ sĩ cảm xúc ấy. Khi thật sự đổ mồ hôi trên mảnh đất quê hương thì mình cảm thấy thương, quý mảnh đất mình đang sống. Từ đó, cảnh sắc quê hương được nhìn bằng con mắt khác, sâu lắng và da diết hơn” - nhà thơ Kim Ba tâm sự.
Là một người con của đất Châu Thành, từng tham gia đồng ruộng, cuốc cày như người nông dân thực thụ, nhà thơ Kim Ba đã truyền những xúc cảm của chính mình đến độc giả bằng những câu thơ chân thành, giản dị trong bài thơ Cánh đồng:
“Cánh đồng có xa đâu mà tôi người trót lỡ
Đành gom góp câu thơ thắp lại ngọn lửa xanh
Con mắt tuổi ba mươi ngó đời khô như rạ
Sao âm ỉ cháy lòng một sắc mạ non non?”
Đồng cảm với mạch nguồn cảm xúc, tác giả Ngô Thị Thu Vân từng thốt lên trong tùy bút Đêm Sài Gòn trăn trở: “Đêm nằm lại da diết nhớ. Nhớ đất, nhớ người. Thèm nghe tiếng gà mỗi buổi sớm mai. Thương con bìm bịp kêu nước lớn. Tôi hẹn với mình, rồi tôi sẽ trở về. Mới hay, nơi ấy chính thật quê nhà!”.
Mặc dù quê gốc Sài Gòn, nhưng từ năm 22 tuổi, số phận run rủi tác giả gắn cuộc đời mình với Tân Phú đúng 27 năm. Và do hoàn cảnh, phải rời Châu Thành ra đi nhưng vẫn không nguôi da diết nhớ, thương và “luôn muốn đóng góp cho quê hương Châu Thành ít nhất là bằng tác phẩm của mình” - như lời chia sẻ của tác giả.
Không riêng Tân Phú, xã An Phước, huyện Châu Thành nổi danh với bài thơ Mùa dâu chín trong tập truyện và ký Miền quê yêu dấu của nhà văn Thái Dương được giới văn, thi sĩ và những người yêu văn chương còn nhớ với những câu thơ thật ngọt ngào, đầy “chất Nam Bộ”:
“Buổi đầu gặp em
Giữa mùa dâu chín
Đưa tôi chùm dâu, em cười bẽn lẽn
Ăn đi anh, chùm dâu ngọt quê nghèo…”.
Thái Dương là bút danh của nhà văn, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ - nguyên Cục trưởng Cục An ninh văn hóa tư tưởng Bộ Công an, cố vấn Ban biên tập Báo Công an Nhân dân. Là người con Hà Tây vào Nam Bộ và tham gia công tác tại địa bàn An Phước chỉ khoảng 5 năm nhưng nhà văn đã phải lòng mảnh đất gieo mầm văn chương ấy. Tại đây, ông có nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng bạn đọc: Miền quê yêu dấu, Những người ở ngôi nhà mật, Bí ẩn của ký ức... (văn xuôi); Duyên quê, Màu nhớ (thơ)…
Tình đất, tình người An Phước đã để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm của nhà văn, trong đó, Mùa dâu chín đã được tỉnh Bến Tre trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu vinh danh cây bút thời kháng chiến Thái Dương.
Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhà văn Vũ Hồng, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đang làm việc tại Chi nhánh Hội Nhà xuất bản Hội nhà văn tại TP. Hồ Chí Minh. Anh là người được bạn bè trong giới đánh giá “không làm được gì tốt hơn ngoài viết lách” và được “hưởng lộc” văn chương khá sớm khi đạt giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (1996) năm 30 tuổi. Ngoài các truyện ngắn với giọng văn đầy nhân hậu được bạn đọc yêu thích như: Tiếng chuông trôi trên sông, Người leo dừa, Cha và con gái, Các câu chuyện về người chăn vịt... anh còn sáng tác thơ, nổi bật là tác phẩm Người phương Nam được chọn đưa vào chương trình văn học địa phương cấp THCS:
“Trăng phương Nam như tan trong sương
Người phương Nam cạn chén “hồ trường”...
Phương Nam nhuốm khói tình tri kỷ
Bạn bước xa dần ta tái tê...”
Mỗi văn, thi sĩ dù sinh trưởng hay chỉ bám trụ trong một giai đoạn nhất định trên mảnh đất Châu Thành nhưng mạch nguồn cảm xúc trong suốt quá trình sáng tác không bao giờ cạn. Từ những trăn trở về cuộc sống, vất vả của người nông dân, về thân phận con người và lớn lao hơn là tình yêu quê hương đất nước được thể hiện qua ngòi bút văn chương sẽ còn được bạn đọc đón nhận và lưu giữ… Đó cũng đã là phần thưởng lớn dành cho những con người được sinh ra, sống và chiến đấu trên mảnh đất trù phú và tươi đẹp này!