Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ

24/07/2024 - 16:11

Với các chính trị gia, quan chức Mỹ gắn bó với Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, chiều 10-9-2023. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, chiều 10-9-2023. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Joseph Leahy là người có tình cảm gắn bó đặc biệt với Việt Nam. Bản thân ông luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi tới Việt Nam, yêu quý con người Việt Nam thân thiện, cởi mở, luôn sẵn sàng học hỏi. Ông nói, mỗi lần sang Việt Nam, ông đều học được một điều gì đó.

Nghe tin Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần, Thượng nghị sĩ Leahy không khỏi xúc động. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington, Thượng nghị sĩ cho biết đã nghe rất nhiều và đọc rất nhiều về Tổng Bí thư, nhiều đến nỗi Thượng nghị sĩ mong muốn được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuối cùng, Thượng nghị sĩ Leahy cũng có cơ hội thực hiện mong muốn ấy, với cuộc gặp đầu tiên với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ở Hà Nội, rồi sau đó là ở Washington. Cả hai cuộc gặp đều để lại trong ông ấn tượng rõ ràng rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cả hai đất nước cùng tiến về phía trước. Thượng nghị sĩ Leahy hiểu rằng việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam có đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Về việc Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cho rằng đó là một bước tiến quan trọng, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng thúc đẩy kết quả này. Ông Leahy bày tỏ hy vọng các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Việt Nam sẽ tiếp nối di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong thắt chặt mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Mỹ. Ông  cho rằng đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ Tổng Bí thư và mở ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (nhiệm kỳ 2014 - 2017). Ảnh tư liệu: Hồng Nguyên/TTXVN

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (nhiệm kỳ 2014 - 2017). Ảnh tư liệu: Hồng Nguyên/TTXVN

Trong khi đó, dù đang bận rộn với lịch trình công tác tại Singapore nhưng cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (nhiệm kỳ 2014 - 2017) vẫn dành thời gian chia sẻ nỗi mất mát với người dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Ted Osius gửi lời chia buồn tới nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiên định của Việt Nam trong một thời gian dài.

Hồi tưởng những ấn tượng về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015, cựu Đại sứ Osius xúc động chia sẻ: “Tôi có vinh dự được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington và New York năm 2015. Tại phòng Bầu dục, Tổng Bí thư và Tổng thống Barack Obama đã có  cuộc gặp tuyệt vời khiến quan hệ song phương chuyển biến và trở thành đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay. Sau cuộc gặp ở phòng Bầu dục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Phó Tổng thống Joe Biden tiếp đón. Ông Biden đã trích dẫn hai câu thơ Kiều của Việt Nam “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. 

Cựu Đại sứ nhận định sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có tác động lớn tới mối quan hệ Việt Nam - Mỹ. Năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện và 1 thập kỷ sau, khi Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. 

Cựu Đại sứ cũng kể thêm một kỷ niệm đáng nhớ khác trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington. Đó là trước khi tới phòng Bầu dục gặp Tổng thống Obama khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới Đài tưởng niệm Jefferson. Đại sứ Ted Osius cho rằng điều này có ý nghĩa vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn lưu ý với thế giới rằng Việt Nam đã trích dẫn những câu nổi tiếng của Tổng thống Thomas Jefferson khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945, đó là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Ông Ted Osius cho rằng việc Tổng Bí thư thăm Đài tưởng niệm Jefferson nhắc nhở hai nước về sức mạnh của mối quan hệ Việt - Mỹ.

Ông Ted Osius cũng đánh giá cao hiệu quả của đường lối "ngoại giao cây tre" của Việt Nam. Sau chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Ted Osius lưu ý hiếm có lãnh đạo thế giới nào tiếp cả Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga trong vòng 1 năm.

Đánh giá về thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Đại sứ Osius cho rằng Việt Nam đã hoàn toàn hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Theo ông, Việt Nam là trung tâm mạng lưới các quan hệ giao thương và ngày càng trở nên thịnh vượng mỗi năm. Tầng lớp trung lưu cũng đang phát triển. Quan hệ thương mại với Mỹ rất mạnh mẽ trong khi đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các nước khác đang ngày càng gia tăng. Với những kết quả đó, theo ông Ted Osius, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại di sản là một Việt Nam thịnh vượng hơn.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN