Nguồn nước mặt tại các sông, rạch ở Bến Tre rất dồi dào, nhưng thường xuyên bị nhiễm mặn vào các tháng mùa khô.
Trên 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tại tỉnh, nguồn nước chính cho sinh hoạt, sản xuất là từ sông rạch, nước giồng cát, một ít từ nước ngầm. Trữ lượng nước ngầm thấp, chất lượng trung bình, phần lớn phân bổ ở độ sâu trên 200m. Trong khi đó, nguồn nước mặt dồi dào, nhưng do ở cuối nguồn, giáp biển nên bị nhiễm mặn vào các tháng mùa khô, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước từ thượng nguồn sông Mekong ngày càng suy giảm.
Toàn tỉnh có 68 công trình cấp nước do nhiều tổ chức quản lý gồm: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và các đơn vị tư nhân. Tổng công suất của các hệ thống cấp nước hiện nay trên 200 ngàn mét khối/ngày đêm từ nguồn nước mặt, cung cấp cho trên 240 ngàn hộ dân.
Trong đó, ngoài hệ thống công trình cung cấp nước tập trung, thì ở vùng giồng cát, ven biển các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm, nguồn cung cấp một phần từ khoảng 4.200 giếng khoan, 6.100 giếng đào. Chất lượng nguồn nước này tuy không đảm bảo nhưng là nguồn nước quý giá trong trường hợp hạn mặn, thiếu nước ngọt diễn ra gay gắt.
Đồng thời, vùng xa trục giao thông, sâu trong ruộng đồng nơi không có nguồn nước máy cũng như không có nguồn giếng khoan, thì hộ dân lấy nước từ kênh rạch, nước mưa dự trữ vào các dụng cụ chứa đựng, lắng qua phèn để dùng trong sinh hoạt.
Qua thống kê, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh hiện nay chiếm 67,4%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,4%. Tuy nhiên, hiện nay còn khoảng 20 ngàn hộ dân không có nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt, tập trung ở địa bàn 40 xã/thị trấn thuộc 8 huyện trong tỉnh.
Giải pháp cấp nước quy mô
Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tăng nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền, giữa khu trung tâm, đô thị với vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, bãi ngang. Nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch trong dân còn cao nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế.
Từ đó, UBND tỉnh đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí nguồn ngân sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy nước trực thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn để tạo điều kiện cho hơn 15 ngàn hộ tiếp cận nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Cùng với đó, vùng thưa dân cư, xa trục đường giao thông, sâu trong ruộng đồng nơi không mở rộng tuyến ống nước, tỉnh cần sự bố trí dự án xử lý nước/trữ nước phù hợp với quy mô hộ gia đình cho khoảng 5.000 hộ dân có nguồn nước sạch sử dụng.
Về hệ thống thủy lợi, trong thời gian chờ các cống lớn thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3) hoàn thành, tỉnh sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú để cung cấp cho các nhà máy nước nông thôn phục vụ người dân khu vực ven biển như: Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri và nạo vét tuyến kênh Đìa Cừ; tuyến kênh Cả Ráng Sâu và ao tự nhiên hiện hữu thuộc khu vực thị trấn Thạnh Phú để trữ ngọt.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Bắc Bến Tre khép kín đê và các cống dưới đê ven sông Hàm Luông và sông Tiền thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm và TP. Bến Tre đồng bộ với các cống lớn Tân Phú, Bến Rớ, An Hóa, Bến Tre và Thủ Cửu thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3) đảm bảo ngăn mặn, cấp nước cho tiểu vùng Bắc Bến Tre.
Đồng thời, khu vực Nam Bến Tre trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tiếp tục đầu tư các công trình cống thuộc huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú; nâng cấp đê sông Hàm Luông từ sông Tân Hương đến Vàm Nước Trong dài 13,5km thuộc huyện Mỏ Cày Nam để đồng bộ với các cống lớn: Cái Quao, Vàm Thơm và Vàm Nước Trong thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (Jica 3) đảm bảo ngăn mặn, cấp nước cho tiểu vùng Nam Bến Tre.
Bài, ảnh: Thanh Bạch