Đầu tư phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao

21/11/2016 - 07:36

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (bìa phải) trao đổi với cư dân khu Lạc Địa. Ảnh: M.Phương

Sáng 18-11-2016, đoàn khảo sát do Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo làm trưởng đoàn đã đến khu Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, nắm bắt kỹ hơn về tâm tư, nguyện vọng của cư dân, cũng như cách triển khai các dự án đã quy hoạch tại đây.

Ông Tô Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Phú Lễ cho biết, trước năm 2014, chính quyền cho dân địa phương thuê khoán ở một số điểm trong khu Lạc Địa, với kỳ hạn 10 năm mới ký lại hợp đồng. Tuy nhiên, đến năm 2014 do yêu cầu của quy hoạch lại nên chỉ cho thuê kỳ hạn 2 năm tái ký một lần, với giá 6 triệu đồng/ha. Khu Lạc Địa có khoản 120ha, hiện có trên 70 hộ dân sinh sống lâu đời ở đây và khoảng 20 hộ dân từ nơi khác đến thuê đất canh tác.

Sau khi công bố quy hoạch phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, một số nhà đầu tư đã liên hệ với địa phương, trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Tấn Bình đã triển khai một số hoạt động kinh doanh nông nghiệp sau khi thuê lại khoảng 7ha đất của một số người dân tại đây. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích đất theo kế hoạch kinh doanh của công ty thì vấp phải sự phản đối của cư dân nơi này.

“Chúng tôi cần đến 19ha mới đủ diện tích mà thực hiện kế hoạch nhân giống bò Úc chất lượng cao rộng rãi cho dân địa phương; áp dụng công nghệ cao để trồng rau an toàn và nuôi những chủng loại cá đồng nước ngọt. Trong hoạt động của chúng tôi, cư dân nơi này cũng là một mắt xích quan trọng bởi sẽ là nguồn lao động chính. Tôi nghĩ bằng cách đó, cuộc sống của cư dân nơi này sẽ khá hơn”, ông Trần Tấn Thanh - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tấn Bình trăn trở.

Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Lai - Bí thư Huyện ủy Ba Tri nói: Trước phản ứng của bà con, huyện chỉ công bố quy hoạch, chưa tiến hành một dự án chính thức nào trong quy hoạch. Điểm khó thuyết phục dân hơn nữa chính là một số dự án được tiến hành tại khu đất hoang sơ này lúc trước không có hiệu quả. Hiện nay, kinh phí thực hiện các dự án không hiệu quả đó địa phương vẫn chưa trả được.

Qua khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, địa phương cần tuyên truyền đến từng người dân hiểu rõ việc triển khai quy hoạch không hề đi ngược lại với quyền lợi của dân. Càng không phải là “lấy đất người nghèo giao cho người giàu”. Thực tế, việc triển khai quy hoạch tại khu Lạc Địa theo hướng phát triển du lịch bằng tái hiện căn cứ của “chính quyền cách mạng” thời chiến, các dịch vụ phục vụ cho du lịch và vệ tinh là các khu nông nghiệp công nghệ cao là một đòi hỏi khách quan theo điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của khu đất này. Đương nhiên, cư dân địa phương cũng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các dự án vì sẽ không có dự án nào thành công nếu không có bàn tay lao động của con người. Thậm chí, đời sống, sinh hoạt, sản xuất hiện nay của một số gia đình cư dân sẽ không bị tác động gì tới trong việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

“Tôi đề nghị chính quyền địa phương tổ chức đấu giá cho thuê công khai, công bằng theo quy hoạch sau khi thời gian thuê khoán 2 năm kết thúc. Hộ dân, doanh nghiệp có đủ khả năng sẽ được thuê theo đúng luật. Đối với những hộ dân “cố cựu” sinh sống ở đây nếu không đồng ý tham gia vào các dự án thì được tạo điều kiện sống tại một vị trí khác mà không làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo chỉ đạo.

Trong tuyên truyền, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, địa phương phải cụ thể cho dân rõ rằng đời sống của họ tại đây, lâu nay là quá thấp đối với mặt bằng chung của tỉnh. Họ chỉ có thể chuyển mình vươn lên được nếu chịu làm ăn theo “cái đầu” của doanh nghiệp. Nông nghiệp mà không có sự tham gia của doanh nghiệp thì chẳng bao giờ phát triển. Đòi hỏi của thị trường hội nhập buộc nông nghiệp lạc hậu tại đây thay đổi - nhu cầu sống của người dân tỉnh nhà đang lên nên bằng mọi giá không để cư dân Lạc Địa thụt lùi.

* Cùng ngày, đoàn của Bí thư Tỉnh ủy cũng đã thị sát Cụm công nghiệp An Đức. Cụm công nghiệp quy hoạch đầu tư phân kỳ 2 giai đoạn, với tổng diện tích 35ha. Hiện có 6 doanh nghiệp hoạt động sản xuất gồm các lĩnh vực công nghiệp đóng tàu biển, chế biến nông thủy sản, giày da xuất khẩu, vật liệu xây dựng… trên tổng diện tích hơn 10ha. Còn 5 doanh nghiệp khác đang làm việc với địa phương để tiến hành các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên việc tiến hành ở giai đoạn 2 còn khá bề bộn.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương rà soát, tính toán lại chi phí và áp dụng giá đền bù hợp lý cho dân. Bên cạnh đó, khi mời gọi đầu tư cần phải tham khảo trước giá của một số cụm công nghiệp khác ở các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo tính hấp dẫn về giá đối với nhà đầu tư.

Phương Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN