Đo độ mặn tại cống Sơn Đốc (Giồng Trôm).
Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vừa cho biết, theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh cũng như của Trung ương, dự báo nước mặn năm nay lên rất cao có thể đạt từ 60 - 70% so với năm 2015 - 2016. Ngay từ đầu mùa mặn năm nay, nước mặn lên rất cao, tuy nhiên sau Tết, độ mặn giảm xuống có phần thuận lợi cho sản xuất.
Theo ông Nam, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch phòng chống hạn mặn và triển khai đến các sở, ngành, địa phương biết về công tác phòng chống. Sau khi có kế hoạch, từng địa phương triển khai xuống các xã và bà con nông dân. Ngành chức năng xây dựng kế hoạch từng đơn vị, ngành đã triển khai xuống bà con nông dân để tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng chống hạn mặn trên cây trồng khi có mặn xâm nhập để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con nông dân.
Hiện tại, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp như: Tiếp tục đo độ mặn tại các công trình đầu mối, vị trí đầu nguồn nước tưới để vận hành các cống kịp thời ngăn mặn và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tưới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình còn lại để khép kín hệ thống thủy lợi. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thông tin về bản tin độ mặn của Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh để người dân chủ động hơn trong sản xuất; khuyến cáo người dân không bơm nước vào ruộng khi mặn lên cao. Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng chống hạn mặn cụ thể trên từng loại cây trồng như: lúa, dừa, cây ăn trái...
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện độ mặn trên các sông ở mức xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, 2016. Cụ thể, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất đến xã Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày Nam) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 34km; độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu nhất đến xã Thành Thới B (Mỏ Cày Nam) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 56km.
Tin, ảnh: Hoàng Mai