Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2020 – 2025

04/02/2021 - 13:40

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch. Ảnh: Hữu Hiệp

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch. Ảnh: Hữu Hiệp

Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI với phương châm “Đồng thuận - Sáng tạo”, nhằm tạo tiền đề và nền tảng vững chắc về sự đồng lòng, chung sức, phát huy sự năng động, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã phát đi thông điệp xây dựng “chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hưởng ứng phương châm đó và quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở Nội vụ xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung thực hiện trong toàn ngành, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu đưa Chỉ số CCHC của tỉnh vào nhóm 20 cả nước trong năm 2025.

CCHC là tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính, nhằm xây dựng bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần phục vụ nhân dân và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để chuyển nền hành chính từ quản lý sang phục vụ. Nhờ đó, công tác CCHC của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, từng bước tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được thành lập và vận hành, góp phần cung cấp tốt hơn dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp. Các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Hiệu quả quản trị và Hành chính công PAPI, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS của tỉnh đều duy trì ở nhóm tốt, đặc biệt là Chỉ số PAPI đứng đầu cả nước vào năm 2019...

Kết quả đó khẳng định hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế - xã hội; mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quản trị hành chính công và sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước tại tỉnh được đánh giá tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, CCHC của tỉnh còn một số hạn chế nhất định như hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị chưa cao; chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công còn hạn chế; ý thức trách nhiệm, kỹ năng hành chính, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chưa đáp ứng yêu cầu; quản lý tài chính công chưa thật sự hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ chưa đồng bộ; sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong còn chậm; cơ cấu đội ngũ CBCCVC chưa hợp lý, còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa tốt; bố trí nhân sự theo vị trí việc làm còn chậm...

Từ thực trạng và những khó khăn, hạn chế trong thực hiện CCHC thời gian qua, đặt ra yêu cầu bức thiết phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về CCHC một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, nhằm xây dựng hệ thống chính trị kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Đẩy mạnh CCHC trong hệ thống chính trị” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời, cũng xác định “Phấn đấu đưa Chỉ số CCHC vào nhóm 20 cả nước” là một trong các nhiệm vụ đột phá. Để cụ thể nội dung này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29-11-2020 về CCHC giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Nội dung Đề án CCHC đã tập trung phân tích, xác định rõ thực trạng, chỉ ra được những hạn chế, xác định rõ nguyên nhân. Từ đó, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh. Theo đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chủ yếu như:

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế phù hợp, phấn đấu đảm bảo văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đúng quy định, hợp lý và có tính khả thi.

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn, nhẹ, công khai, minh bạch; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. Thủ tục hành chính cung cấp trên cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động đạt 100%.

Củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động và phục vụ tốt cho nhân dân. Phấn đấu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Xây dựng đội ngũ CBCCVC có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, uy tín, chuyên nghiệp, năng động, đổi mới, sáng tạo; 95% các cơ quan, đơn vị bố trí nhân sự theo vị trí việc làm; 95% CBCCVC đạt chuẩn về trình độ, năng lực; 100% CB, CC lãnh đạo, quản lý đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định

 Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước; giảm chi ngân sách, tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính. 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Hoàn thiện cơ sở vật chất để xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin trên nền tảng số. Nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin cho CBCCVC; phổ cập công nghệ thông tin, tuyên truyền và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Nâng tỷ lệ hộ gia đình có máy tính cá nhân, tỷ lệ người dân có máy tính, điện thoại thông minh sử dụng internet.

Thực hiện thành công chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh trở thành địa phương chuyển đổi số thành công trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng thành công chính quyền điện tử, đến cuối năm 2025, toàn bộ hệ thống chính quyền phải vận hành trên môi trường mạng.

Nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, cần phải quyết liệt, trách nhiệm, đồng bộ, năng động và sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, quán triệt, nâng cao nhận thức của CBCCVC và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC trong hệ thống chính trị. Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện CCHC trong phạm vi quản lý; xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác.

Hai là, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác CCHC giai đoạn, hàng năm cụ thể, rõ ràng về nội dung, nhiệm vụ, giải pháp; có sản phẩm cụ thể, gắn với phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp, tiến độ, thời gian hoàn thành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện CCHC. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì, giữ vững thứ hạng Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS và nâng cao Chỉ số PAR Index, ICT Index; triển khai áp dụng Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cho CBCCVC và người dân nhận thức đúng để đồng thuận, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, nội dung CCHC của Đảng, Nhà nước. Tăng cường sự tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ CBCCVC trong thực thi công vụ.

Năm là, huy động và bố trí đủ CBCCVC có năng lực xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Nâng cao năng lực của các cơ quan có trách nhiệm giúp UBND tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ CCHC.

Sáu là, tích cực vận động người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia sử dụng sản phẩm CCHC. Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông với CCHC, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, của CBCCVC trong thực thi công vụ và để giám sát chất lượng thực thi công vụ của CBCCVC.

Bảy là, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện CCHC để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; khen thưởng, biểu dương những mô hình mới, cách làm sáng tạo, đột phá để tạo sự lan tỏa cao trong toàn xã hội.

Nhiệm vụ CCHC đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 tuy rất nặng nề, nhưng với sự đoàn kết, đồng thuận, tập trung thực hiện quyết liệt của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng công tác CCHC của tỉnh sẽ đạt kết quả tốt hơn, hướng tới đạt chỉ tiêu phấn đấu đưa Chỉ số CCHC vào nhóm 20 cả nước trong năm 2025 n

Nguyễn Thị Ngọc Giàu - Giám đốc Sở Nội vụ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN