Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC. Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh hiện nay tiếp tục được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

Các ngành, các cấp thường xuyên chú trọng đến chất lượng giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
Kiểm soát TTHC đầy đủ, kịp thời
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát, rà soát TTHC, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tổ chức tốt kế hoạch truyền thông về cải cách TTHC, thông qua phương án đơn giản hóa TTHC và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, căn cứ kế hoạch đã ban hành, UBND tỉnh tiếp tục triển khai đến các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời nội dung, nhiệm vụ đã đề ra. Trong tháng 7-2018, UBND tỉnh đã ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm soát TTHC và đã triển khai thực hiện (Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 25-7-2018 ban hành quy chế hoạt động của hệ thống cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 25-7-2018 ban hành quy chế phối hợp về kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh).
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký ban hành 30 quyết định công bố danh mục TTHC, tổng số với 328 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở: Công Thương, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp huyện, cấp xã. Các TTHC này đều được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, cập nhật công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức như thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử; thông qua các hội nghị giao ban, tọa đàm; tập huấn, bồi dưỡng quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC; lồng ghép thông tin về cải cách TTHC qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC
Các cấp ngành và địa phương cũng đã chú trọng công tác kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC. Thông qua kiểm tra đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp tháo gỡ; đồng thời, phát hiện những tồn tại, hạn chế nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm soát TTHC tại các đơn vị, địa phương; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai hoạt động kiểm soát TTHC.
Hoạt động kiểm tra cũng giúp cho việc tổng hợp những sáng kiến, cải tiến, đổi mới trong hoạt động cải cách TTHC nhằm phổ biến, nhân rộng có hiệu quả đối với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong quý III-2018, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 301.217 hồ sơ; trong đó, đã giải quyết 299.267 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,3%), trả đúng hạn 298.522 hồ sơ, trả quá hạn là 744 hồ sơ (chiếm 0,2%), đang giải quyết chưa đến hạn là 1.953 hồ sơ.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát TTHC vẫn còn một số hạn chế như: việc giải quyết TTHC vẫn còn trễ hẹn với tỷ lệ 0,2% (chủ yếu ở lĩnh vực đất đai); việc niêm yết công khai TTHC ở một số đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa được cập nhật kịp thời; việc lưu giữ hồ sơ giải quyết TTHC chưa đầy đủ theo quy định.
Để phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch công tác cải cách TTHC của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản trái pháp luật hoặc không còn hiệu lực; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính pháp lý, đồng bộ, cụ thể và khả thi; đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa các TTHC, nhất là các TTHC trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản.
Bài, ảnh: Đăng Phong