Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ

02/08/2021 - 06:15

BDK - Trong bối cảnh toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về giãn cách xã hội, người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Trước tình hình đó, tỉnh thành lập Tiểu ban Hậu cần do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh làm Trưởng ban, nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề về cung - cầu hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời gian giãn cách. Tiểu ban có sự tham gia các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương và lãnh đạo các huyện, thành phố.

Nhãn xuồng tại xã Tam Hiệp (Bình Đại). Ảnh: Sơn Tùng

Nhãn xuồng tại xã Tam Hiệp (Bình Đại). Ảnh: Sơn Tùng

Nông sản vào vụ

Hiện nay, các sản phẩm nông sản được gieo trồng và chăm sóc theo mùa vụ đến đợt thu hoạch khá nhiều, nhất là: dưa hấu, củ cải, nhãn, sắn, tôm... Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT, chỉ trong 14 ngày giãn cách xã hội, sản lượng nông sản toàn tỉnh cung cấp ra thị trường khá lớn. Cụ thể: nhãn, chôm chôm, bưởi… khoảng 3.367 tấn; rau, củ 1.989 tấn; thịt heo, bò 4.180 tấn; gia cầm 1.070 tấn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng 6.000 tấn; cá tra 7.500 tấn.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho hay, tại huyện Bình Đại, trong thời gian 14 ngày, nông dân có nhiều sản phẩm vào vụ thu hoạch như dưa hấu, ước tính bình quân 1.700 tấn, tập trung 2 xã Thừa Đức (khoảng 100 tấn) và Thới Thuận (1.600 tấn); đậu phộng khoảng 40 - 50 tấn, người dân có thể phơi khô, trữ lại được. Khó khăn nhất là trái nhãn trên 2.200 tấn gồm nhãn xuồng và nhãn Idor, tập trung nhiều nhất ở xã Tam Hiệp 830 tấn.

“Củ sắn có thể để kéo dài ít thời gian nữa, nhưng củ cải phải thu hoạch khi đến ngày, ước 45 tấn. Về thủy sản, người dân vẫn thu hoạch và bán bình thường nhưng giá giảm từ 30 - 40 ngàn đồng/kg so với trước đây. Vì thế, nhiều hộ kéo dài thời gian nuôi đợi qua thời gian giãn cách...”, ông Võ Văn Quân thông tin.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm các loại nông thủy sản trong 14 ngày khá cao nhưng do thực hiện giãn cách xã hội nên tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 20 - 50% so với sản lượng thực tế cần tiêu thụ. Các sở, ngành, địa phương đang tiếp tục quan tâm kết nối, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ hàng nông sản trong 14 ngày giãn cách tiếp theo.

Sở NN&PTNT cập nhật danh sách đầu mối cung ứng một số sản phẩm nông sản và thủy sản đăng vào link “chương trình hỗ trợ hợp tác xã/tổ hợp tác kết nối và tiêu thụ nông sản về TP. Hồ Chí Minh mùa Covid”.

Tiêu thụ 20 - 50% sản lượng

Ước sản lượng bưởi da xanh thu hoạch trong 14 ngày này hơn 1.600 tấn, hiện mới tiêu thụ gần 300 tấn. Nguyên nhân do tình hình thu mua của các doanh nghiệp ngành hàng này giảm mạnh, khiến sản lượng bưởi tồn đọng trên vườn rất lớn.

“Chỉ tính riêng xã An Khánh, huyện Châu Thành, nếu thu mua bình thường khoảng 10 tấn/ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã giảm 70% sản lượng thu mua tại An Khánh nói riêng và sản lượng của công ty tiêu thụ hàng ngày nói chung. Nguyên nhân do tình hình các tỉnh, thành phố siết chặt Chỉ thị số 16/CT-TTg. Mặt khác, cước vận chuyển tăng 50%; shipper tăng 200% so với ngày thường. Để duy trì hệ thống, đơn vị sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp để bù vào chi phí gia tăng, nhằm đảm bảo giá bán trái bưởi trên thị trường vẫn bình ổn so với ngày thường. Tương đương doanh nghiệp chấp nhận lỗ 1 triệu đồng/tấn bưởi”, Giám đốc Công ty TNHH XNK Vạn Vạn Lợi, huyện Châu Thành Phan Thanh Bút chia sẻ.

Đối với một số sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng tiêu thụ thông qua các thương lái phân phối sản phẩm chăn nuôi tại các chợ, siêu thị. Sản lượng tiêu thụ không tăng hoặc có giảm mạnh. Các sản phẩm từ chăn nuôi (bò, heo, gà) tiêu thụ ổn định khoảng 167,4 tấn/ngày. Một số sản phẩm tiêu thụ chậm hoặc khó tiêu thụ như các sản phẩm vịt, dê thịt.

Tổng sản lượng tôm nước lợ tiêu thụ trong ngày 30-7-2021 là 198 tấn (Ba Tri 20 tấn, Thạnh Phú 68 tấn và Bình Đại 110 tấn), lũy kế tiêu thụ trong những ngày giãn cách đạt trên 1.700 tấn. Tuy sản lượng còn khá lớn (size có thể thu hoạch được từ 40 - 100 con) nhưng người dân tiếp tục kéo dài thời gian nuôi để tăng lợi nhuận.

Riêng sò huyết, sản lượng đến thời điểm thu hoạch trong tháng 8-2021 là 295 tấn (Giao Thạnh 122,5 tấn, Thạnh Phong 147 tấn, Thạnh Hải 22,5 tấn). Sò từ 70 - 110 con/kg, hiện chưa có thương lái thu mua, kết nối tiêu thụ do chưa thỏa thuận được giá bán.

Cá tra hầu hết là của doanh nghiệp nên đến cỡ thì thu về công ty chế biến. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra khó khăn trong xuất khẩu do tình hình dịch Covid-19 nên lượng cá nguyên liệu trong ngày thu rất ít để chế biến.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT đang liên kết hỗ trợ cho Ba Tri tiêu thụ cá rô đồng đang chuẩn bị thu hoạch, với sản lượng trong tháng 8-2021 khoảng 5 tấn. Các sản phẩm thủy sản khai thác chủ yếu tập trung ở 2 cảng Ba Tri và Bình Đại, sản lượng khoảng 81 tấn/ngày.

Để đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người nông dân, các đoàn thể trong tỉnh như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã và đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nông dân trong tỉnh, thông qua các hình thức online, bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN