Đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo

19/04/2023 - 05:39

BDK - Hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) nhằm hướng đến mục tiêu chung là giúp hộ dân thoát nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Kết quả trong quý I-2023, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Nghị quyết của Ban đại diện, triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023.

Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung tiếp cận hộ nghèo, cận nghèo để cho vay theo nhu cầu thực tế.

Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung tiếp cận hộ nghèo, cận nghèo để cho vay theo nhu cầu thực tế.

Đảm bảo nguồn vốn cho vay

Toàn tỉnh hiện có 14.073 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,5% và 14.700 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,66%. Nguyên nhân nghèo, cận nghèo của hộ dân chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu đất, thiếu tư liệu, phương tiện sản xuất.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS, nguồn vốn cho vay đạt hơn 3.662 tỷ đồng, tăng 8,22% so với đầu năm 2023. Trong đó, nguồn vốn Trung ương trên 3.500 tỷ đồng, tăng 7,07%; nguồn vốn ủy thác địa phương trên 161 tỷ đồng, tăng 47 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 235% kế hoạch tăng trưởng.

Việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ “Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình” được tập trung thực hiện. Đến nay, tổng dư nợ đạt 166,8 tỷ đồng, bao gồm cho vay hỗ trợ việc làm; duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học trực tuyến; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…

Kết quả huy động tiết kiệm tăng 2,9 tỷ đồng, các đơn vị thực hiện tốt là Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Chợ Lách. Trong quý, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH đã tích cực phối hợp với các đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng Tổ tư vấn và vay vốn, các địa phương đẩy nhanh tiến độ bình xét cho vay, giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng, đưa dư nợ tăng 85 tỷ đồng so với đầu năm. Cả 9/9 huyện, thành phố đều có dư nợ tăng.

Từ nguồn vốn TDCS, đã cho vay 1.638 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với số tiền trên 80,9 tỷ đồng; cho vay 1.580 người lao động tạo việc làm, với 62,6 tỷ đồng; cho vay 91 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, với số tiền 7,7 tỷ đồng; cho vay 3.428 lượt hộ xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn, số tiền 63,6 tỷ đồng; cho vay tạo điều kiện cho hơn 336 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện trang trải chi phí học tập. Nhìn chung, nguồn vốn cho vay cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm thực hiện Đề án đa dạng sinh kế cho các đối tượng thụ hưởng TDCS.

Khó khăn và giải pháp

Toàn tỉnh có 2/9 huyện, thành phố có nợ quá hạn tăng so với đầu năm. Theo một số đơn vị ủy thác TDCS, tình hình kinh tế khó khăn chung, giá cả đầu vào vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá cả hàng hóa nông sản lên xuống không ổn định, thậm chí giá sụt giảm kéo dài, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người dân, nhất là đối với người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó cũng ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ đúng hạn.

Đồng thời, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH còn gặp khó khăn trong việc nắm danh sách hộ nghèo, cận nghèo, cũng như hồ sơ để nắm bắt nhu cầu thực tế của các hộ, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận cho vay đúng nhu cầu theo hướng đa chiều của hộ nghèo, cận nghèo.

Về việc nắm danh sách hộ nghèo, cận nghèo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười - Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cho biết: Ban đại diện sẽ xem lại vấn đề để tháo gỡ, phối hợp hiệu quả trong công tác TDCS đối với hộ nghèo, cận nghèo. Bởi vì hiện nay, danh sách đã có và cụ thể các chiều thiếu hụt của từng hộ. Thông tin hồ sơ lưu trữ cũng đã được số hóa, do đó rất thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin và tiếp cận cho vay đúng theo nhu cầu. Đồng thời, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với NHCSXH chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn để thực hiện công tác bình xét cho vay vốn. Phấn đấu cùng tỉnh thực hiện tốt chỉ tiêu kéo giảm hộ nghèo trong năm 2023.

Về phương hướng tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười lưu ý thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị, các phòng giao dịch cấp huyện tiếp tục tham mưu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về TDCS, rà soát nhu cầu cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. 

“NHCSXH quan tâm tham mưu triển khai chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Phối hợp với các đơn vị ủy thác, UBND cấp xã để thực hiện tốt việc xử lý nợ xấu và thu hồi nợ. Tập trung củng cố, nâng chất hoạt động của các tổ vay vốn. Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay TDCS nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh khi cho vay”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN