Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số

22/01/2021 - 07:06

BDK - Hiện tỉnh có trên 4,7 ngàn doanh nghiệp (DN), trong đó, gần 80 DN đăng ký kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin. Tổng số lao động trong các DN công nghệ thông tin trên 700 người. Thực trạng cho thấy, tỉnh chưa phát triển mạnh mẽ loại hình DN số. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong thời gian tới.

Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Doanh nghiệp công nghệ số còn thấp

Tỉnh hiện rất quan tâm đến nội dung CĐS. Việc CĐS dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới, mà cốt lõi là công nghệ số (CNS) gồm: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật... CĐS đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử. Đặc biệt, CĐS mở ra cơ hội to lớn cho tỉnh phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các tỉnh khác - cũng chỉ mới bắt đầu quá trình CĐS.

Do đó, phát triển các DN ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên CNS để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà CĐS mang lại khi đưa được CNS vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.

4 loại DN CNS cần tập trung phát triển, gồm: Các tập đoàn, DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực CNS, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi. Các DN công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ CNS và chủ động trong sản xuất. Các DN khởi nghiệp ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về CNS.

Hiện tỉnh chưa phát triển mạnh mẽ loại hình DN số. Tuy nhiên, đây cũng được xem là điểm “thuận lợi” để tỉnh phát triển DN CNS dựa trên xuất phát điểm bằng 0. Từ xuất phát điểm ấy, tỉnh có thể mạnh dạn đầu tư, phát triển DN số dựa vào kinh nghiệm đã triển khai thành công của các nước trên thế giới nói chung cũng như các tỉnh, thành phố trong nước nói riêng.

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, tỉnh xem đây là một trong những bước đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ tới, để bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các tỉnh khác. CĐS sẽ làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.

Giải pháp chuyển đổi số

Muốn phát triển DN CNS, theo các chuyên gia, tỉnh phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN CNS bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, phát triển nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng CNS rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đầu tiên là nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN CNS, đẩy mạnh cung cấp thông tin phục vụ phát triển DN số, tạo điều kiện thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh ứng dụng CNS và tạo thuận lợi cho DN số tiếp cận đất đai.

 Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh cần tập trung, chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để khuyến khích, phát triển mới các loại hình DN. Đặc biệt, DN CNS, DN ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, hiệu quả cao. Chủ động rà soát các điều kiện kinh doanh chuyên ngành để tạo điều kiện phát triển DN CNS trong lĩnh vực quản lý; tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về phát triển và ứng dụng CNS trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên sử dụng các sản phẩm của DN CNS Việt Nam trong hoạt động của cơ quan. Thực hiện các đột phá chiến lược, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Song song đó, triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN gắn với Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN. Đặc biệt, DN CNS, DN ứng dụng CNS để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, ưu tiên vốn tín dụng cho các DN CNS. Quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của DN để tăng cường đầu tư cho ứng dụng và đổi mới công nghệ của DN. Đảm bảo hạ tầng mạng viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn tỉnh căn cứ vào nguồn lực thực tế, chủ động ứng dụng CNS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của DN; tăng cường liên kết, đặt hàng đối với các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu để ứng dụng các giải pháp CNS phục vụ DN…

“Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin giải pháp đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển công nghệ thông tin. Trọng tâm là thu hút, tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, kết hợp với đào tạo trực tiếp. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo thiết thực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về công nghệ thông tin cũng là vấn đề bức thiết”.

(Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN