Đẩy mạnh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh

28/08/2024 - 07:01

BDK - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 20-10-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu tổng quát và cụ thể. Nghị quyết đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cụ thể đến năm 2025, kinh tế số chiếm 10% GRDP... Thương mại điện tử (TMĐT) là một phần quan trọng của kinh tế số phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Khách hàng dùng điện thoại thông minh quét mã sản phẩm.

TMĐT không chỉ thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng mà còn thay đổi cả cách thức kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Ở tỉnh, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ DN thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn nâng cao kỹ năng kiến thức về TMĐT; hỗ trợ các DN xây dựng website TMĐT, Landing pages, ứng dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số. Sở Công Thương cũng hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hội nghị, hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; hỗ trợ bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT có uy tín trong và ngoài nước như: Lazada, Tiki, Shopee, Postmart, Voso, Amazone… góp phần hỗ trợ các DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm, hàng năm, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT đối với các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và cá nhân trên địa bàn tỉnh kết hợp tuyên truyền về những lợi ích của việc ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và để làm cơ sở đánh giá chỉ số ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT cũng như định hướng hoạt động TMĐT của tỉnh phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước.

Thông qua các kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều DN khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người nông dân không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình. Nhiều DN đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng. Không chỉ riêng các DN, hiện nay các cơ sở sản xuất nhỏ, các tiểu thương, các tổ chức, cá nhân cũng tập tành bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… bước đầu mang về kết quả nhất định.

Việc nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định pháp luật về TMĐT cũng rất quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh do không tìm hiểu các quy định pháp luật trên lĩnh vực TMĐT nên không thực hiện việc đăng ký/thông báo website TMĐT với cơ quan quản lý (Bộ Công Thương), cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, dẫn đến vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền không đáng có.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết: Hướng tới, sở sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách và các văn bản có liên quan đến hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT và chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đến rộng rãi cộng đồng DN trong tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho các chợ trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnh: Trung Trí

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN