Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người dân nông thôn

14/04/2019 - 19:54

Bộ đội Đồn Biên phòng Hàm Luông tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Ảnh: Huỳnh Đức

Bộ đội Đồn Biên phòng Hàm Luông tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Ảnh: Huỳnh Đức

Theo phân tích của ngành chức năng, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm phát sinh do có nhiều nguyên nhân: đạo đức xuống cấp, mâu thuẫn trong cuộc sống, nghiện ma túy… Trong đó, có nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật của người vi phạm.

Bà D. (Thạnh Phú) mua thửa đất 150m2 của bà U. (ở cùng xã) để xây nhà cho con. Hai người tự thỏa thuận việc mua bán với nhau. Bà U. làm giấy viết tay với nội dung bán phần đất có diện tích 150m2 cho bà U. (không biết chữ), trị giá đất bán 300 triệu đồng. Tuy nhiên, trong giấy bán đất này lại không ghi rõ phần đất bán thuộc thửa đất, tờ bản đồ nào, diện tích bao nhiêu và giáp ranh với những ai, mà chỉ ghi chiều dài khoảng 30m, chiều ngang khoảng 5m; cũng không ghi cụ thể thời gian thực hiện xong hợp đồng. Bà D. đã trao tiền cho bà U. 2 lần, tổng cộng 150 triệu đồng (có biên nhận). Sau đó, bà U. cứ hứa hẹn mà không thực hiện các thủ tục pháp lý để giao đất cho bà D.. Hai người đã xảy ra tranh chấp và phải nhờ Tòa án giải quyết.

Trường hợp của ông N.T.S. (xã Phước Long, huyện Giồng Trôm), ông làm nghề chài lưới trên sông Hàm Luông, kinh tế gia đình đã khá lên nhờ công việc này. Gần đây, nghe theo lời của người quen, ông S. đã dùng bình điện để khai thác thủy sản. Khi bị Công an xã phát hiện và tạm giữ phương tiện, ông S. cho rằng “chỉ dùng bình kích điện để kiếm tôm cá ăn hoặc làm mồi nhậu lai rai với bạn bè”. Ông S. không biết rằng mình đã thực hiện hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.

Trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp người vi phạm do bị hạn chế về trình độ văn hóa, thiếu hiểu biết pháp luật mà trở thành nạn nhân hoặc là người thực hiện hành vi phạm pháp, thậm chí trở thành tội phạm. Theo thống kê, năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 571 vụ phạm pháp hình sự, giảm 1,21% so với năm 2017. Lực lượng công an toàn tỉnh đã khởi tố 729 vụ án với 755 bị can; kết thúc điều tra đề nghị truy tố 463 vụ với 608 bị can; giải quyết hơn 89% số tin báo, tố giác tội phạm; bắt và vận động ra đầu thú, thanh loại 53 đối tượng truy nã, trong đó có 12 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các ngành chức năng đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được quan tâm, xem là giải pháp quan trọng, hữu hiệu. Cơ quan chức năng đã phối hợp huy động nguồn lực xã hội tham gia tư vấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Chú trọng huy động các luật sư, luật gia tham gia thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật (năm 2018, thực hiện trên 1,12 ngàn vụ tư vấn miễn phí).

Để pháp luật thực sự đến với người dân, nhất là đối với những địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó, cần sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN