BDK.VN - Trong những năm qua, tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) như một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa đất nước. Từ việc quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đến Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, tỉnh đang tập trung xây dựng Đề án toàn diện với tầm nhìn xa và giải pháp đồng bộ để phát triển khu vực KTTN phù hợp với đặc thù và thế mạnh của địa phương.
Nhiều doanh nghiệp may mặc giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong tỉnh.
Phát triển nguồn nhân lực
Giai đoạn 2017 - 2024, toàn tỉnh có 4.643 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, bình quân đạt 580 DN/năm. Riêng trong năm 2024, tỉnh có 622 DN và 409 đơn vị trực thuộc thành lập mới với vốn đăng ký hơn 2.946 tỷ đồng, đạt hơn 52% kế hoạch. Hoạt động của khu vực KTTN đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề án KTTN có trọng tâm là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng DN. Tỉnh xác định chỉ khi KTTN được hỗ trợ phát triển đồng đều cả về số lượng lẫn chất lượng, mới có thể hình thành lực lượng DN dẫn đầu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đề án không đơn thuần là bản kế hoạch hành chính, mà được xây dựng như một hành trình kết nối giữa chính quyền với cộng đồng DN, giữa lý tưởng phát triển và hành động thực tiễn.
Nội dung quan trọng trong Đề án KTTN là phát triển nguồn nhân lực doanh nhân bản lĩnh, có đạo đức và văn hóa kinh doanh, đủ sức chèo lái DN trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiện tỉnh đã công nhận 22 DN thuộc nhóm dẫn đầu, 50 DN thuộc nhóm nguồn dẫn đầu, tạo nền móng để lan tỏa ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng DN địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là ở các ngành có thế mạnh như chế biến dừa, thủy sản và trái cây.
Đề án còn đề cập tới việc phát triển hạ tầng công nghiệp, logistics và công nghệ số, xem đây là yếu tố then chốt để nâng tầm năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường toàn cầu. Đáng chú ý, tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu công nghiệp Phú Thuận và nhiều cụm công nghiệp khác, đồng thời vận hành hiệu quả Quỹ đầu tư khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính cho DN khởi nghiệp.
Mục tiêu thời gian tới
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, trong giai đoạn tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều thời cơ và thách thức. Tỉnh xác định đội ngũ DN của tỉnh có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt, động lực góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thông qua những việc làm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, cho cộng đồng và toàn xã hội…
Theo đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu cụ thể trong thời gian tới như tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển DN và thành phần kinh tế. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN nâng cao năng lực về hợp tác và hội nhập quốc tế. Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển mới 4.000 DN, với tổng vốn đăng ký 40 ngàn tỷ đồng. Hỗ trợ nâng cao năng lực ít nhất 1.000 DN thuộc các lĩnh vực, chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh và thế mạnh của địa phương.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP nhằm thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN và Nghị quyết số 139/NQ-CP nhằm triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17-5-2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN.
Một trong những trọng tâm lớn của các nghị quyết là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của bộ máy công quyền. Các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể hóa kế hoạch hành động, thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ”, xử lý dứt điểm cơ chế “xin - cho”, bảo đảm thống nhất trong thực thi chính sách.
Cũng theo tinh thần nghị quyết, Chính phủ đã nhấn mạnh việc cần thiết phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong quản lý nhà nước. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ. Ví dụ, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các bộ ngành được yêu cầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Trong đó, Nghị quyết số 138/NQ-CP cũng định hướng cụ thể về hỗ trợ DN tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; triển khai các cơ chế ưu tiên DN nhỏ và vừa, DN đổi mới sáng tạo thuê đất, thuê tài sản công chưa sử dụng; thúc đẩy chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ với mức khấu trừ thuế hấp dẫn.
“Đây là 1 trong “bộ tứ chiến lược” mà Trung ương vừa ban hành nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển KTTN và chủ động tăng cường hội nhập quốc tế trong tình hình mới, tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh.
“Việc xây dựng Đề án phát triển KTTN không chỉ là bước đi mang tính chiến lược mà còn là sự thể hiện tinh thần đồng hành của chính quyền với DN. Mỗi doanh nhân không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế mà còn là tác nhân kiến tạo xã hội. Với cách tiếp cận toàn diện và hành động cụ thể, tỉnh đang hiện thực khát vọng phát triển KTTN mạnh mẽ trong thời gian tới”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)