
Vợ chồng ông Trần Văn Hồng, ấp Giồng Chuối, xã An Đức bên ngôi nhà mới khang trang.
254 người tham gia XKLĐ
Bà Trần Thị Tuyết Lan - Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Ba Tri luôn là địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về XKLĐ, là 1 trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh về công tác XKLĐ trong những năm qua. Riêng trong năm 2018, toàn huyện có 254 người tham gia XKLĐ. Thị trường chủ yếu là Nhật Bản; thu nhập của người lao động từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Bình quân hàng năm, số tiền ngoại tệ gửi về từ lực lượng XKLĐ đạt xấp xỉ 70 tỷ đồng. Việc thực hiện công tác XKLĐ đã góp phần giúp huyện thực hiện tốt việc giảm nghèo và các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về XKLĐ sâu rộng trong nhân dân. Huyện cũng đã phối hợp với các công ty có giấy phép tuyển dụng lao động xuất khẩu tổ chức các hội nghị tư vấn, phát tờ rơi, treo băng-rôn tại các xã nhằm cung cấp thông tin tuyển dụng đến từng người lao động. Đồng thời, giải quyết nhanh chóng các thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân nắm rõ về chính sách, lợi ích và quyền lợi của mỗi nước khi tham gia làm việc tại đó để có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn công việc, địa điểm phù hợp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi về vốn cho người lao động khi tham gia XKLĐ.
Thoát nghèo, vươn lên khá, giàu
XKLĐ đã mở ra hướng đi mới cho việc thoát nghèo, ổn định kinh tế. Nhiều gia đình có người tham gia XKLĐ đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá, giàu. Gia đình ông Trần Văn Hồng, ấp Giồng Chuối, xã An Đức trước đây là một trong những hộ nghèo. Nhờ có hai người con đi XKLĐ ở Nhật Bản, hiện nay, gia đình ông Hồng đã trả hết các khoản nợ, có tiền chữa bệnh và xây dựng được căn nhà khang trang, chính thức thoát nghèo.
Gia đình ông Huỳnh Văn Nhánh, ấp Giồng Cục, xã An Đức trước đây cũng là hộ nghèo của xã. Trước cảnh khó khăn của gia đình, ông quyết định cho hai người con gái của mình đi XKLĐ tại Nhật Bản. Từ số tiền 2 người con gửi về đã giúp gia đình thoát cảnh nghèo khó, vươn lên khấm khá. Theo thống kê, đa số các trường hợp lao động sau khi hết hợp đồng về nước đều tìm được cho mình việc làm trong nước, có thu nhập ổn định.
Bà Trần Thị Tuyết Lan cho biết: Năm 2019, huyện Ba Tri phấn đấu có 260 lao động tham gia XKLĐ. Đáng mừng là chỉ qua 3 tháng triển khai, có 144 lao động đã bay, đạt trên 55% chỉ tiêu năm, huyện phấn đấu vượt chỉ tiêu vào cuối năm. Để đạt mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện đề ra các giải pháp là thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn về XKLĐ cho đối tượng lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động thuộc các xã bãi ngang và đối tượng là học sinh THPT đang học lớp 12.
“Ngoài ra, huyện tổ chức ngày hội việc làm nhằm tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp gặp gỡ các công ty, doanh nghiệp làm công tác XKLĐ để tạo thông tin hai chiều và niềm tin cho người lao động; thực hiện tốt chính sách ưu đãi vốn vay cho lao động khi tham gia XKLĐ” - bà Trần Thị Tuyết Lan cho biết thêm.
Bài, ảnh: Trà Dũng