Đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh theo hướng hiện đại

30/10/2024 - 05:25

BDK - Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12-4-2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 54/NQ-CP), UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 6635/KH-UBND ngày 17-10-2022. Đến nay, kết quả thực hiện đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế địa phương.

Tập huấn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP tại huyện Châu Thành.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, trên lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các giải pháp và chính sách đồng bộ. Định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh hướng tới việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất các sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị. Sự chuyển đổi đã giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản. Đặc biệt là thông qua việc áp dụng công nghệ cao và khoa học kỹ thuật hiện đại.

Tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt các chứng nhận quan trọng như: GAP, hữu cơ, OCOP, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Trong năm 2024, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án và dự án, nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ và GAP lên tới 26.470ha. Hiện tại, tỉnh có 24 mã số vùng trồng nội địa, với diện tích hơn 640ha và 62 vùng trồng xuất khẩu, với 152 mã số trên diện tích hơn 1.054ha. Tỉnh đã cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu cho 6 doanh nghiệp (DN), giúp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có mặt ở các thị trường quốc tế như: Mỹ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc và Thái Lan.

Toàn tỉnh đã phát triển 161 hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 78 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực. Việc xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho việc xây dựng thương hiệu nông sản được các ngành, các cấp tập trung. Các vùng sản xuất tập trung cho dừa, heo, tôm biển và hoa kiểng cũng được hình thành và phát triển. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các sản phẩm nông sản của DN, HTX tham gia sàn thương mại điện tử để thúc đẩy kinh tế số, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 44/2019/QĐ-UBND của tỉnh, góp phần thu hút DN và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh.

Công nghiệp tăng trưởng khá

Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng DN của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành chủ lực của tỉnh.

Hiện tỉnh có 2 khu công nghiệp (KCN) Giao Long 1, 2 và KCN An Hiệp đã lấp đầ̀y 100%. Tỉnh đang triển khai xây dựng KCN Phú Thuận và 8 cụm công nghiệp (CCN) ở các địa phương, trong đó 4 CCN đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 10 ngàn lao động địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2024 ước đạt 42.300 tỷ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ; lũy kế giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 150.392 tỷ đồng, ước tăng trưởng bình quân 5,93%/năm, đạt 64,27% kế hoạch.

Ngoài ra, với nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió, mặt trời), năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học... tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến triển khai các dự án. Hiện tỉnh đã phê duyệt 19 dự án điện gió và cấp chủ trương thực hiện, với tổng công suất 1.007,7MW, trong đó có 9/19 dự án đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua-bin với công suất khoảng 365,9MW; lũy kế tổng công suất đóng điện hòa lưới 250,75MW. Hiện tỉnh đang phối hợp, hỗ trợ nhà đầ̀u tư triển khai thủ tục đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh.

Thương mại dịch vụ, du lịch phát triển

Hệ thống phân phối hàng hóa truyền thống và hiện đại được đầu tư phát triển. Chợ nông thôn được quan tâm đầu tư. Hệ thống phân phối hiện đại có bước phát triển, góp phần thay đổi bộ mặt thương mại văn minh, hiện đại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2024 ước đạt 70.752 tỷ đồng, tăng 11,52% so với cùng kỳ; lũy kế giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 242.595 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 9,84%/năm, đạt 58,39% kế hoạch.

Hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài thông qua các kênh: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Ngoại giao... bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều đơn hàng, hợp đồ̀ng đã được ký kết. Nhiều lô hàng như dừa uống nước, bưởi đã được xuất khẩu đến thị trường các nước, tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đồng thời, mở ra hướng kết nối giao thương giữa DN địa phương với các nhà nhập khẩu lớn, tạo hiệu quả lan tỏa, tăng động lực, phấn khởi mới cho các DN trong công tác thâm nhập, phát triển thị trường.

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, đầ̀u tư đồ̀ng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và nghiên cứu tạo ra sản phẩm, thị trường du lịch đa dạng, phong phú. Tổng khách du lịch đến tỉnh năm 2024 ước đạt 2,4 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ và tổng thu từ du lịch ước đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lũy kế giai đoạn 2021 - 2024, khách du lịch ước đạt 6,1 triệu lượt khách, đạt 74,7% kế hoạch và tổng thu từ du lịch đạt 7.663 tỷ đồ̀ng, đạt 79,1% kế hoạch.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, định hướng nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm như thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch khác. Qua đó, từng bước khai thác tối đa lợi thế các địa phương, nhất là các ngành có thế mạnh của tỉnh.

UBND tỉnh đề ra một số nội dung như: Đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tiếp tục đầu tư hoàn thành hạ tầng KCN Phú Thuận và giao đất cho các nhà đầ̀u tư; chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển công nghiệp để tạo năng lực sản xuất mới. Đặc biệt, triển khai nội dung số hóa dữ liệu các KCN, CCN trên nền tảng bản đồ số 4D.

Trong tháng 10-2024, UBND tỉnh đã có báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2024 theo Nghị quyết số 54/NQ-CP. Cụ thể, năm 2024, ước khu vực I đạt 34,29%; khu vực II đạt 20,69%; khu vực III đạt 41,7%; thuế sản phẩm ước đạt 3,32%. Lũy kế giai đoạn 2021 - 2024, ước khu vực I đạt 34,29% (kế hoạch từ 26 - 28%); khu vực II đạt 20,69% (kế hoạch từ 26 - 28%); khu vực III đạt 41,70% (kế hoạch từ 42 - 45%); thuế sản phẩm 3,32% (kế hoạch là 4%).

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN