Đê biển Ba Tri hứa hẹn nhiều hiệu quả

23/02/2011 - 08:12
Cống Giồng Trơn (ấp 3, Tân Xuân, Ba Tri), điểm đầu của đê biển Ba Tri.

Đến cuối tháng 6-2011, sau hơn 2 năm 6 tháng thi công, dự án đầu tư xây dựng công trình Đê biển Ba Tri được hoàn thành theo kế hoạch (có gia hạn thêm 6 tháng) với tổng số vốn đầu tư gần 215 tỷ đồng. Hiện, các đội thi công 6 gói thầu đang gấp rút hoàn thành các phần việc cuối cùng. Ngoài chức năng phòng tránh lụt bão từ hướng biển Đông vào địa bàn huyện Ba Tri, đê biển còn góp phần phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 6 xã và những xã lân cận mà đê đi qua…

Vài nét về Đê biển Ba Tri

Dự án đầu tư xây dựng công trình Đê biển Ba Tri, huyện Ba Tri - tỉnh Bến Tre được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo Quyết định số 3259/QĐ-BNN-ĐĐ, ngày 31-10-2006. Đây là một tiểu dự án nằm trong Dự án quản lý rủi ro thiên tai, bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Dự án được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt điều chỉnh theo Quyết định số 1622/QĐ-UBND, ngày 22-8-2008, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre. Tuyến đê biển Ba Tri có chiều dài 31,026km, chân đê rộng 20m, mặt đê 5m, cao trình 3,5m, điểm đầu là cống Giồng Trơn nằm cạnh cống Mười Cửa (nối với đê cống đập Ba Lai) chạy dọc theo sông Ba Lai (cách bờ sông hiện tại khoảng 150m vào đất liền) đến rạch Ruộng Muối nối vào tuyến quốc phòng, đi qua các xã: Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Hòa Tây, An Thủy. Trên đê có 19 cống để điều tiết lũ, ngăn triều cường, lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy hải sản, làm muối và kết hợp làm nơi trú ẩn tránh bão cho tàu thuyền. Đê sẽ phòng chống nước biển xâm nhập do thủy triều dâng cao và sóng do bão - bảo vệ cho gần 11 ngàn ha đất với khoảng 45 ngàn dân. Ngoài ra, mục tiêu đầu tư xây dựng đê còn nhằm tạo hạ tầng thuận lợi để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; kết hợp là tuyến đường giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa, cứu hộ, cứu nạn. Mặt đê được trải sỏi đỏ, đá dăm dày 20cm, rộng 4m. Cống trên đê là cống hộp, cống hở kết cấu bê-tông cốt thép, cửa van thép không gỉ, đóng mở tự động. Mặt bằng đê đã làm ảnh hưởng đến 745 hộ dân, thu hồi 195ha đất, số tiền đền bù giải tỏa là 55 tỷ đồng. Riêng ở xã An Thủy có 160 nhà phải di dời.

Hiệu quả của đê

Đê đi qua ấp Tân Thị (ấp 3) xã Tân Xuân có chiều dài 2km, điểm đầu là cống Giồng Trơn, khi hoàn chỉnh sẽ phục vụ cho vùng nuôi trồng thủy sản chính của xã rộng khoảng 400ha. Thiết kế như đã thi công tạo thuận lợi rất lớn cho vùng nuôi, cống sẽ điều tiết nước theo ý của người nuôi tôm. Từ nay, người dân không còn sợ thủy triều dâng cao, tràn bờ, ảnh hưởng đến sản xuất vì đã có đê, có cống. Khi chưa có đê, người dân ở đây chỉ đi lại được khi thủy triều lên, còn khi thủy triều xuống thì “án binh bất động” (chỉ rời chỗ ở bằng cách lội, bè qua các con rạch). Từ khi có đê, chòi nuôi tôm nào cũng có xe gắn máy, giao thông thuận tiện, đi lại dễ dàng, nhiều trường hợp bệnh tật được chuyển đến bệnh viện kịp thời…

Xã Tân Xuân có 29 hộ dân phải giao đất để tiến hành thi công đê, xã được huyện chọn làm điểm. Nhờ có bước chuẩn bị tốt nên việc thu hồi và giao đất ở đây diễn ra khá nhanh, người dân trong xã nhận tiền đền bù mà không có khiếu nại nào. Chúng tôi đã tìm gặp ông Huỳnh Văn Chi, năm nay 60 tuổi, ngụ tại ấp Tân Thị, người có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất 2,65ha, gia đình có 8 nhân khẩu, cuộc sống gắn liền với việc nuôi trồng thủy sản. Ông Chi vui vẻ cho biết, cha mẹ ông về sống trên mảnh đất này từ những năm 1950, khi đó còn là rừng hoang. Ông bà đã sống qua ngày bằng việc mò tôm, bắt cá, đặt bung, đặt nò, phá cây làm củi... để khai phá 6ha. Chiến tranh mỗi lúc một ác liệt thêm, ông bà vẫn bám rừng, bám đất cho đến ngày hòa bình. Ông Chi được sinh ra và lớn lên tại đây, được cha mẹ cho thừa kế 6ha trên từ sau ngày 30-4-1975, sau đó ông Chi được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất. Khi vùng này trở thành vùng nuôi tôm trọng điểm của xã, ông cũng là một trong những người tiên phong. Khi Nhà nước có dự án làm đê, làm cống, thấy được lợi ích lâu dài ông đã vui vẻ giao 2,65ha đất và vận động nhiều gia đình cùng giao đất. Ông nói: “Tuy đê và cống chưa phát huy hết tác dụng nhưng cũng đã làm thay đổi vùng đất 400ha này, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng, nhiều hộ đã khá lên. Tụi tui ở đây giờ sướng lắm, muốn đi đâu là lên xe honda rồ ga, chút xíu tới liền, không còn cảnh đợi nước như xưa nữa…”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri khẳng định, đê biển Ba Tri hoàn thành sẽ đem lại nhiều lợi ích cho huyện. Cụ thể, đê ngăn được triều cường từ hướng biển Đông có khả năng sẽ xuất hiện vào những thập niên tới như dự báo; sáu xã có tuyến đê đi qua: Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Hòa Tây, An Thủy và các xã tiếp giáp như: Phước Tuy, Phú Ngãi, Vĩnh Hòa, Vĩnh An sẽ chủ động điều tiết được nước phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án di dân trên tuyến ven biển phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng vào việc phòng tránh lụt bão từ hướng biển Đông vào địa bàn huyện Ba Tri; hình thành thêm tuyến rừng phòng hộ, tạo ra một vành đai xanh bao bọc từ cửa sông Ba Lai nối liền đến cửa sông Hàm Luông, góp phần chắn gió, giữ lại cát từ biển thổi vào làm cho bãi bồi ven biển đẩy nhanh tốc độ bồi lắng, diện tích đất liền lấn ra biển ngày càng nhiều; gắn kết được tuyến giao thông, rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

 

Bài, ảnh: CÔNG TẠO

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN