Đây là loại hình kinh doanh phù hợp, khắp các
địa phương, khu vực kinh tế hộ đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra việc làm cho trên 127,7 ngàn người
lao động, chiếm 17% lao động toàn tỉnh, là kênh phân phối hàng hóa quan trọng,
góp phần tạo ra sự phát triển cân bằng giữa các vùng nông thôn và thành thị. Phần
lớn hộ KDCT vẫn còn trong tình trạng phát triển tự phát, nhỏ lẻ, phạm vi chủ yếu
trong địa bàn xã, huyện.
Hộ kinh doanh còn ngại
Qua kết quả khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều
nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp (DN).
Trước hết là về chế độ kế toán phải thực hiện theo quy định với đầy đủ hóa đơn
đầu vào - đầu ra, phải thực hiện thủ tục kê khai, quyết toán thuế, báo cáo tài
chính… từ đó phát sinh thêm nhân sự. Khi hoạt động dưới hình thức DN, họ phải
thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo hiểm cho người lao động, thuế, phòng cháy
chữa cháy, môi trường… đồng nghĩa với việc chi phí tăng lên đáng kể.
Thứ hai, nhiều hộ cá thể cho rằng, khi chuyển sang hoạt động
DN, họ phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi giấy phép kinh doanh có điều kiện
đã được huyện, thành phố cấp sang giấy chứng nhận đủ điều kiện do các sở, ngành
cấp để có thể kinh doanh trên phạm vi toàn tỉnh... nên mất thời gian, thực hiện
thủ tục khó khăn hơn và sẽ phát sinh các khoản chi phí không chính thức.
Đặc biệt, khi chuyển sang loại hình DN, hộ e ngại các đợt
thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan có thẩm quyền, và đối mặt với
nguy cơ bị xử phạt hành chính cao hơn nhiều so với hộ. Hoặc có những hộ không
muốn chuyển đổi đơn giản chỉ vì ngại thay đổi, bằng lòng với kết quả kinh doanh
hiện tại, hoặc thậm chí kinh doanh hình thức hộ có thể dễ dàng “né” thuế và các
ràng buộc về chế độ cho người lao động…
Chuyển đổi là xu hướng
tất yếu
Ngày 31-12-2015, Việt Nam chính thức là thành viên của Cộng
đồng kinh tế ASEAN (AEC). Các thành phần kinh tế của Việt Nam đã chính thức bước
vào sân chơi lớn hơn, thị trường được mở rộng từ phạm vi một quốc gia sang phạm
vi khu vực và quốc tế, nhưng cũng đồng thời phải chịu sức ép cạnh tranh nhiều
tương ứng từ các DN, tập đoàn lớn của các nước trong khu vực. Nếu mục tiêu đầu
tiên của AEC được hiện thực hóa, khối ASEAN sẽ hình thành một thị trường đơn nhất
và cơ sở sản xuất chung, thông qua các hoạt động tự do lưu chuyển: hàng hóa, dịch
vụ, đầu tư, vốn, lao động có tay nghề. Cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau ở cả
10 nước ASEAN sẽ là áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN Việt Nam, đặc biệt
là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế,
phạm vi quốc tế và cạnh tranh gay gắt như hiện tại, các hộ là đối tượng chịu ảnh
hưởng nhiều nhất, và cùng với tốc độ gia nhập thị trường của DN nước ngoài vào
Việt Nam, các hộ càng mất dần cơ hội phát triển, mất hẳn sức cạnh tranh so với
các DN trong cùng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, nếu vẫn giữ quy mô kinh doanh nhỏ, lẻ, tự
phát, bằng lòng với kết quả hiện tại, các hộ khó có động lực nâng cao chất lượng
sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, cũng như không đặt nặng vấn đề thương hiệu,
bản đồ xuất xứ hàng hóa, nên sản phẩm chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa,
sản lượng nhỏ nên không thể chủ động quyết định về giá cả trên thị trường. Đây
là một sự lãng phí rất lớn mặt kinh tế đối với hộ kinh doanh và về kinh tế - xã
hội đối với tỉnh nhà.
Nếu so sánh giữa cái “được” và cái “mất” khi hoạt động
kinh doanh theo mô hình hộ, thì thực tế đã cho thấy chủ trương hỗ trợ chuyển đổi
3% số hộ KDCT đủ điều kiện sang loại hình DN là chủ trương đúng, là tín hiệu hỗ
trợ tích cực từ phía chính quyền đối với các các hộ KDCT đã hội đủ các điều kiện
về quy mô, lao động, ngành nghề kinh doanh, với mục đích trước nhất là nâng cao
năng lực cạnh tranh của từng hộ, phát huy tối đa khả năng sản xuất và thu về tối
đa lợi nhuận cho chủ sở hữu, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của
kinh tế tỉnh và cải thiện các vấn đề an sinh xã hội khác.
Sự khác nhau giữa kinh doanh theo mô hình hộ và theo mô
hình DN không chỉ nằm ở con dấu, ở sự gia tăng niềm tin của đối tác khi giao dịch
với một tổ chức có tư cách pháp nhân, số vốn vay được từ các ngân hàng cao hơn
nhiều lần, hay ở việc gia tăng khả năng huy động kinh nghiệm, vốn đầu tư từ các
tổ chức, cá nhân không là bạn bè, họ hàng, mà còn là sự thể hiện của thương hiệu
và uy tín của doanh nhân, khát vọng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh,
mang những sản phẩm tâm huyết vượt ra khỏi phạm vi xã, huyện, tỉnh.
Đồng thời, khi chuyển sang hoạt động theo loại hình công
ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần, người sản xuất, kinh doanh chỉ chịu trách
nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty, có nghĩa là ngoài phần vốn đã cam kết
góp vào công ty, tài sản của chủ sở hữu được tách bạch hoàn toàn với tài sản của
công ty. Trong trường hợp xấu nhất là khi công ty làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản,
chủ sở hữu công ty sẽ không phải lấy tài sản riêng của mình để chịu trách nhiệm
cho nghĩa vụ của công ty.
Sự vào cuộc của các
cơ quan và hộ KDCT
Để hỗ trợ, đồng hành cùng hộ KDCT trong quá trình chuyển
đổi sang loại hình DN, tỉnh đã đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm, thực hiện
xuyên suốt trong giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó có tổ chức các hội nghị, hội
thảo chuyên đề về hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các hoạt động
tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính; tổ chức tập huấn, đào tạo,
bồi dưỡng các kỹ năng, kiến thức về kinh doanh, quản trị, điều hành; hỗ trợ về
xây dựng thương hiệu, tiếp cận và mở rộng thị trường; hỗ trợ giải quyết các thủ
tục hành chính có liên quan…
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 41 hộ kinh
doanh đã chuyển đổi sang loại hình DN. Vẫn còn khoảng 80 hộ kinh doanh có đủ điều
kiện chuyển đổi ngay trong năm 2017 đang ngập ngừng, theo dõi tình hình nên
chưa quyết định việc chuyển đổi. Phải xác định rõ mục đích chuyển đổi không phải
chỉ nhằm tăng số DN theo mục tiêu chung của tỉnh, mà chính là hỗ trợ hộ kinh
doanh phát triển ổn định, bền vững, mạnh về chất lượng, hiệu quả hoạt động và sẵn
sàng cạnh tranh với các DN trong và ngoài nước. Đồng thời góp phần kéo giảm
nguy cơ “tụt hậu” ngày càng xa hơn giữa Bến Tre và các tỉnh bạn, góp phần đưa mức
sống của người dân Bến Tre ngang bằng với mức bình quân chung của khu vực đồng
bằng sông Cửu Long. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các ngành, các cơ quan quản
lý nhà nước, mà còn là trách nhiệm của từng người dân, hộ kinh doanh, DN và các
thành phần kinh tế khác.