Đề nghị lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở

18/08/2022 - 05:37

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, chiều 17-8-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương và 79 điều (trong đó bỏ 25 điều, bổ sung mới 30 điều), tăng 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; đã bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng."

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất giữ tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở," đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành và thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật.

Cụ thể, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành, thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định liên quan đến việc công khai thông tin để dân biết và những nội dung, hình thức nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở.

Bên cạnh đó, chỉnh lý quy định về nội dung, hình thức nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện, sức sáng tạo của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng và trong thực hiện các mục tiêu khác của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung.

Về phạm vi điều chỉnh, các ý kiến tán thành Luật này điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng; được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc.

Việc tổ chức thực hiện các quy định này đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, việc quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động trong Luật này là cần thiết. Do đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện một bước các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng lao động nói chung trong dự thảo Luật.

Về việc xác định chủ thể và cách thức tổ chức để nhân dân tham gia bàn, quyết định những nội dung ở thôn, tổ dân phố, một số ý kiến băn khoăn về việc sử dụng từ “cử tri” vì dễ gây nhầm lẫn với khái niệm “cử tri” được sử dụng trong pháp luật về bầu cử, chưa thực sự khả thi, không xác định được trường hợp nào toàn thể cử tri, trường hợp nào cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của cơ sở.

Nhiều ý kiến băn khoăn về tỷ lệ cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tham gia họp, lấy ý kiến để được coi là đủ điều kiện tổ chức họp, biểu quyết lấy ý kiến về các vấn đề của thôn, tổ dân phố, cấp xã.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở nhằm bảo đảm sự bình đẳng và có cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, qua đó góp phần bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Phát huy cao độ dân chủ đại diện của nhân dân

Cơ bản tán thành với các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phạm vi điều chỉnh đối với "công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi có giao kết hợp đồng lao động" như trong Dự thảo Luật là phù hợp, đúng với mục tiêu đặt ra, không mâu thuẫn, xung đột mà phù hợp với pháp luật về lao động, góp phần làm tốt hơn quan hệ về lao động trong doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Ban soạn thảo bổ sung việc luật hóa một số nội dung như thành lập Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhưng cần rà soát kỹ với các luật chuyên ngành.

Ban soạn thảo cần bổ sung, rà soát lại một số thuật ngữ sử dụng trong khu dân cư và tại khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, sau đó lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh nguyên tắc, tinh thần soạn thảo dự án Luật là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng," được thể chế hóa trong từng chương, với 3 loại hình thực hiện dân chủ cơ sở là xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, trong đó cần bổ sung đầy đủ, toàn diện quy định thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động.

Cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ lưỡng, phát huy cao nhất dân chủ đại diện của nhân dân, dân chủ trực tiếp được thực hiện rõ ràng, được tăng cường, mở rộng hơn trước.

Qua các ý kiến đóng góp về Ban Thanh tra nhân dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đây là một thiết chế rất quan trọng để phát huy dân chủ cơ sở; qua đó nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến về việc có thêm quy định về giám sát, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở nhưng có công cụ khác thực hiện vai trò thanh tra, giám sát như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… để bao phủ được toàn bộ nội dung thực hiện dân chủ cơ sở.

Tại cộng đồng, ngoài Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc, bổ sung hợp lý để các tổ chức tự quản có thể thực hiện được nội dung giám sát, thanh tra ở khu dân cư.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN