Đề nghị việc bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho tòa án nhân dân phải đảm bảo tính khả thi

10/11/2023 - 18:34

BDK.VN - Chiều ngày 9-11-2023, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 9-11-2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 9-11-2023.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu QH tỉnh Bến Tre bày tỏ sự đồng tình cao đối với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức TAND hiện hành. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật này cần có sự sửa đổi khi số vụ việc tòa án phải giải quyết ngày càng nhiều, tính chất ngày càng phức tạp hơn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ngành Tòa án theo đó cũng phải tăng lên và cần có sự đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, đại biểu cũng còn băn khoăn một số vấn đề sau:

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, dự thảo Luật quy định khi thực hiện quyền tư pháp, tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và nội dung này tiếp tục được quy định cụ thể tại Điều 26. Qua tìm hiểu, đại biểu được biết quy định này nhằm để mở rộng thẩm quyền cho tòa án, hiện tại các cơ quan hành pháp tổ chức triển khai thi hành pháp luật và khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính thì thực hiện luôn thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật, nhưng theo quy định trên của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì sắp tới sẽ chuyển giao thẩm quyền giải quyết, xét xử vi phạm hành chính cho tòa án.

Đại biểu băn khoăn vì mỗi ngày trên địa bàn một tỉnh, một huyện xảy ra rất nhiều vụ việc vi phạm hành chính, việc giao cho Tòa án xét xử thì với áp lực công việc và biên chế, đội ngũ của ngành tòa án như hiện nay liệu có đảm bảo khả thi hay không. Đại biểu cho rằng quy định theo hướng mở, “đón đầu” nhưng chưa chắc 10 năm tới đã thực hiện được, nếu chưa đảm bảo tính khả thi thì không nên quy định trước như thế.

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3, dự thảo Luật quy định Tòa án có quyền “quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật”. Đến Điều 27 dự thảo Luật quy định: “Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật”. Đại biểu cho rằng cả hai Điều luật này đều quy định chung chung, chưa rõ, Điều 27 lẽ ra phải quy định cụ thể thì chỉ lặp lại quy định của Điều 3, qua 2 điều luật, vẫn chưa biết Tòa án quyết định những vấn đề liên quan đến con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những vấn đề gì. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ để đại biểu QH có cơ sở xem xét, an tâm khi quyết định.

Tại Điểm d, Khoản 2, Điều 3, dự thảo Luật quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 28 dự thảo Luật như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, Tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản đó…”. Đại biểu cho rằng chưa có sự thống nhất giữa tên gọi với nội dung của Điều 28 vì khi đọc tên của Điều này, đại biểu nghĩ là dự thảo sẽ bổ sung thẩm quyền cho Tòa án xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật như cơ chế Tòa án Hiến pháp mà trước đây chúng ta từng có ý tưởng thành lập, nhưng nội dung điều luật chỉ quy định cho tòa án thẩm quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ… các văn bản trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ thẩm quyền của Tòa án ở đây là gì, từ đó quy định cho thống nhất giữa tên gọi và nội dung điều luật.

Về mô hình tổ chức của tòa án theo quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật, đã thay đổi mô hình tổ chức theo thẩm quyền xét xử mà không theo đơn vị hành chính bằng cách đổi tên gọi TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, với lý do là để không còn phụ thuộc cấp hành chính, đảm bảo tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc thay đổi này chỉ mang tính hình thức vì chỉ đổi tên còn về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các tòa án này vẫn không thay đổi, TAND phúc thẩm nhưng vẫn có nhiệm vụ, quyền hạn là “Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật”. Theo đại biểu, không nên quy định như thế mà chỉ khi nào năng lực của TAND cấp huyện đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử toàn bộ án sơ thẩm thì chuyển giao thẩm quyền xét xử án sơ thẩm về cho cấp huyện cũng chưa muộn.

Về trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ, tại Khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật quy định: “Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. Đại biểu cho rằng đây là một quy định mà nếu được thông qua thì sẽ có sự thay đổi rất lớn trong quá trình tố tụng.

Hiện nay, áp lực của tòa án và tình trạng án tồn, quá hạn trong xét xử có một phần lớn nguyên nhân là từ những khó khăn trong việc thu thập các chứng cứ này. Tòa án thực hiện công tác thu thập chứng cứ, theo dự thảo Luật sửa đổi thì trách nhiệm chuyển giao về cho các bên tham gia vụ kiện. Việc thu thập chứng cứ của tòa án hiện nay cũng đã gặp rất nhiều khó khăn do các cơ quan có liên quan chậm cung cấp hoặc không phối hợp, giờ giao trách nhiệm này cho người dân thì liệu có thực hiện được không.

Đại biểu cũng đồng tình trong việc giao trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ cho đương sự để tránh việc có thể thiếu khách quan khi tòa án tiến hành thu thập, nhưng tòa án cần phải có hướng dẫn cho người dân thực hiện việc này, cũng như cần phải có những quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu để phục vụ xét xử cho người dân có yêu cầu.

Đối với quy định “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật”, đại biểu cho rằng quy định này mặc dù mang tính nhân văn, nhưng quan điểm của đại biểu là “chính sách nào ra chính sách đó”. Người yếu thế đã được hưởng ưu đãi của Nhà nước trong các chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách hỗ trợ trên các lĩnh vực khác nhưng đối chiếu với quy định “mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật và trước Tòa án” thì liệu quy định tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ cho người yếu thế có đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho bên còn lại hay không.

Theo đại biểu, do đây là dự thảo luật được cho ý kiến lần đầu nên vẫn còn nhiều lỗi về kỹ thuật lập pháp, quy định bị trùng lặp như Điều 23 và Điều 59 cùng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp sơ thẩm; Điều 24 và Điều 55 cùng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp phúc thẩm. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo cho lần trình QH tiếp theo.

Tin, ảnh: Ái Thi 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích