Để trẻ em không phải lao động sớm

16/09/2011 - 08:04
Em Lâm Tấn Sang sống với bà nội đang bệnh nặng.

Tất cả những hệ lụy từ việc trẻ em vào đời sớm, thiếu sự giáo dục, chăm sóc và bảo vệ của người lớn sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội nếu chúng ta buông lơi, thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức dành cho các em ngay từ ban đầu. Và khi đó, tương lai của các em sẽ đi về đâu?

Những hoàn cảnh đứng trước nguy cơ vào đời sớm

Đó là những trẻ em gầy gò, mảnh khảnh, xanh xao, nhưng các em đều biết nghĩ: phải cố gắng học. Nhắc đến ba, mẹ, các em cũng nhớ, cũng thèm đến chứa chan nước mắt nhưng đành chịu vậy! Có đôi lúc cái khó đến quá bức bách, các em có cùng suy nghĩ là nghỉ học để học một cái nghề nào đó rồi đi làm cho xong. Bởi, mơ ước được một lần gặp mẹ, kêu cha, Nguyễn Tấn Phúc (học sinh lớp 8, Trường THCS Mỹ Hóa - TP.Bến Tre) còn không có thì làm sao dám nghĩ đến những điều hạnh phúc khác. Phúc chỉ nghĩ đến những việc gần gũi nhất mà mình phải làm như đến lớp phải thuộc bài, chiều về là phải đi lượm ve chai, giặt giũ, cơm nước để phụ giúp bà ngoại đã ngoài 70 tuổi, nay đau mai ốm. Tương tự, em Lâm Tấn Sang (lớp 7, Trường THCS Mỹ Hóa) từ nhỏ đã sống với bà nội, vì cha bệnh mất sớm, mẹ có chồng khác ở xa. Hồi bà nội còn khỏe, mỗi ngày đi học một buổi, buổi còn lại, Sang phụ bà ra chợ bán rau quả vặt để kiếm vài chục ngàn đồng mua gạo, mua thức ăn. Cả tháng nay nội bệnh, Sang ăn cơm trắng rồi đi học.

Đây là hai trong rất nhiều trường hợp có nguy cơ phải nghỉ học, lao động sớm vì lý do kinh tế hoặc gia đình tan vỡ... Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trong điều kiện đi làm công, các em dễ bị bóc lột, làm việc quá sức so với lứa tuổi, dễ bị cám dỗ tham gia vào các tệ nạn xã hội, những việc làm xấu và có thể bị lạm dụng tình dục, rơi vào các đường dây buôn bán trẻ em… Đó là chưa kể đến sức khỏe, tinh thần của các em sẽ bị ảnh hưởng khi trưởng thành.

Thời gian gần đây, tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến những trẻ lao động sớm và kịp thời có những giải pháp khắc phục, hỗ trợ. Với những trẻ có nguy cơ phải nghỉ học để lao động sớm, các địa phương đã kịp thời phát hiện và phối hợp với các tổ chức cộng đồng để hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

 Em Nguyễn Tấn Phúc lượm ve chai sau mỗi ngày đi học ở trường.

 

Trẻ cần được chăm sóc và bảo vệ nhiều hơn

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt - Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Bến Tre, Phòng đã làm hồ sơ giới thiệu hai trường hợp trên đến Làng SOS Bến Tre để được nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng. Với sự tiếp sức này, mỗi tháng các em sẽ có người đến thăm nom tại nhà và hỗ trợ 300 ngàn đồng đến hết năm học lớp 12. Các em sẽ được tiếp tục hỗ trợ đến hết bậc đại học, nếu thi đỗ.

Cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường 5 cho biết, phường cũng hết sức quan tâm đến hoàn cảnh của em Sang và những trường hợp tương tự. Ngoài chính sách cho hộ nghèo, phường kết hợp chặt chẽ với gia đình và nhà trường để quan tâm đến việc học của các em, kịp thời có giải pháp nhằm tạo mọi điều kiện cho trẻ tiếp tục đến trường.

Mới đây, Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng vừa tiếp nhận bé Đỗ Thị Bích Thùy, 5 tuổi, ở phường 6 (TP.Bến Tre). Thùy không có cha, mẹ của em bị tai nạn giao thông mất khả năng lao động. Phát hiện Thùy phải sớm phụ mẹ bán vé số dạo, cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường 6 đã kịp thời giới thiệu em đến Trung tâm để được bảo trợ đúng lúc.

Thành phố Bến Tre hiện có 19 trẻ lao động nặng, nguy hiểm, tiếp xúc chất độc hại, 4 trẻ đi làm xa gia đình, 14 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, bị bỏ rơi và có nguy cơ vào đời sớm. Ông Nguyễn Tấn Đạt cho biết, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bến Tre đã phối hợp với địa phương, Làng SOS Bến Tre, Trung tâm Bảo trợ trẻ em để quản lý, chăm sóc và hỗ trợ toàn bộ 14 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa; đồng thời tổ chức đến thăm các gia đình có trẻ lao động nặng nhọc, nguy hiểm để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng và đến tận nơi các em lao động để yêu cầu chủ sử dụng lao động đảm bảo sự bình đẳng cho trẻ em, tăng thêm tiền phụ cấp độc hại… Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính hỗ trợ, chưa thể tháo gỡ được tình trạng trẻ lao động sớm.

Phải giải quyết bài toán kinh tế cho mỗi gia đình

Có nhiều lý do từ phía gia đình khiến các em phải tự bươn chải kiếm sống nhưng phần nhiều là do kinh tế gia đình yếu kém, đặc biệt là gia đình ở nông thôn. Đã có nhiều trường hợp lao động sớm tại TP.Bến Tre là trẻ em đến từ các huyện. Vì mục đích kinh tế, các bậc làm cha mẹ đã lơ là trách nhiệm của mình và vô tình cướp mất sự hồn nhiên vô tư của con cái, tước mất quyền được học, được chơi, được chăm sóc và yêu thương, khiến trẻ sớm va chạm, đối mặt với vấn đề cơm áo gạo tiền, để rồi hậu quả là các em sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm khi thua thiệt so với bạn bè hoặc trở thành phần tử xấu của xã hội, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục…

Vì vậy, giải quyết bài toán kinh tế gia đình là việc làm rất cần thiết. Song song đó là các hoạt động tuyên truyền về pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Mỗi gia đình cần nhận thức rõ về trách nhiệm, chăm sóc, giáo dục con cái, tạo điều kiện học tập, vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ khi còn ở lứa tuổi vị thành niên.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích